Phóng viên: Từ ngày 1 tháng 4 các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg; tuy nhiên, trên thị trường, giá thịt lợn ở nhiều điểm bán vẫn chênh lệch ở mức cao, thậm chí trong những ngày đầu thực hiện giãn cách toàn xã hội, có những nơi giá còn tăng đột biến. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta biết là do dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 dẫn đến tổng đàn lợn thiệt hại 20% về số lượng, về khối lượng thiệt hại là 9,3% khối lượng. Đây là thiệt hại rất lớn không chỉ cho người chăn nuôi mà còn khiến giá cả thịt lợn trên thị trường tăng cao. Đánh giá về nguyên nhân là do dịch bệnh gây thiếu hụt nguồn cung. Trước tình hình đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó Bộ Nông nghiệp đã phối hợp cùng địa phương tập trung quyết liệt thúc đẩy tái đàn chăn nuôi vào tháng 10 năm 2019, sau khi dịch cơ bản ổn định, Kết quả đến nay rất khả quan, đến hết quý 1 năm nay tổng đàn lợn so với tháng 12 năm 2019 đã tăng được 6,3% về số đàn. Cụ thể đến cuối tháng 3 số đầu lợn trên cả nước là 24 triệu con. Với đà tăng này nhận định là đến quý 3 và đầu quý 4 sẽ đạt số lượng đầu lợn tương đương thời kỳ cao nhất vào cuối năm 2018 thời điểm trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, và lúc đó sẽ có đủ số lượng lợn để cung cấp cho thị trường.
Vừa qua có chuyện giá cao. Nguyên nhân là do chúng ta chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Vì trước khi có dịch, mỗi quý chúng ta cần đến 900 nghìn đến 910 nghìn tấn, nhưng vừa qua mới đảm bảo từ 820 nghìn đến 830 nghìn tấn, phải đến quý 3 và quý 4 chúng ta mới đạt được sản lượng 900 nghìn đến 910 nghìn tấn. Ngoài ra giá thành sản xuất thời gian qua cũng cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh và những khâu khác. Tiếp nữa do tỷ lệ lợn còn thiếu nên còn rất nhiều khâu trung gian. Ví dụ như vừa qua 15 doanh nghiệp đồng hành từ 1 tháng 4 đưa xuất chuồng 70 nghìn đồng/kg lợn hơi nhưng số lượng lợn ở những doanh nghiệp chưa nhiều dẫn đến chưa đủ sức chi phối thị trường. Bên cạnh đó, còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến hàng nhỏ lẻ dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá xuống thấp như chúng ta mong muốn.
Phóng viên: Để giải quyết được vấn đề này, những giải pháp nào sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tới đây chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp tổng thể, trong đó, mấu chốt vấn đề là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cùng với các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cùng với bà con nông dân phối kết hợp giữa các tỉnh để làm sao tăng đàn đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn dịch bệnh. Đồng thời cũng phải phối hợp giữa các ngành, và các địa phương để giảm bớt khâu trung gian đảm bảo giữa khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu dùng ngắn nhất thì chúng ta mới có cơ hội giảm giá phù hợp với người nông dân. Tới đây sẽ tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt lợn vì trong ngắn hạn còn thiếu thì nhập để đảm bảo cho thị trường. Chúng ta cũng tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn tiêu dùng, lựa chọn rất nhiều sản phẩm như: gia cầm, trứng, cá, người tiêu dùng cần san sẻ mua các loại thực phẩm khác để vừa lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, vừa không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn. Làm đồng bộ nhiều giải pháp và tin tưởng rằng sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho nhân dân với giá phù hợp kể cả người chăn nuôi, người làm dịch vụ, người tiêu dùng.
Phóng viên: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tốc độ tái đàn trong thời gian vừa qua và so với các quý sau này thì tốc độ sẽ tăng lên nhiều không?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tốc độ tái đàn quý 1 đạt 6,3 % tổng thể chung, nhưng riêng ở khu vực 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn thì tốc độ tăng đến 17 %. Dự báo tới đây tốc độ tăng đàn sẽ rất nhanh. Bởi vì hiện nay vẫn giữ được cái đàn lợn giống gốc hiện nay là 109 nghìn con, vẫn còn khoảng 2,7 triệu lợn nái - đây là máy để sản xuất. Thứ ba chúng ta đã tổng kết được quy trình an toàn sinh học cho 2 nhóm đối tượng chăn nuôi lớn thời gian qua rất hiệu quả và chăn nuôi nhỏ lẻ cũng rút ra được kinh nghiệm để hướng dẫn kỹ cho nông dân. Đây là những tiền đề rất tốt cộng với đó là những yếu tố trong hệ sinh thái ngành chăn nuôi như sản xuất 20 triệu tấn cám vẫn giữ được, hệ thống thú y, dịch vụ các mặt chúng ta giữ được. Tin tưởng những điều đó cộng với bài học kinh nghiệm rút ra vừa qua chúng ta sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng đàn nhanh, như chúng tôi dự báo cuối quý 3 đầu quý 4 chúng ta có được số lượng đầu lợn cao nhất bằng với thời kỳ trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra.
Phóng viên: Bộ trưởng có khuyến cáo gì đối với các tỉnh đã công bố hết dịch để vừa đảm bảo nguồn cung thịt lợn cũng như đảm bảo sinh kế của người chăn nuôi, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất với người chăn nuôi nhưng đặc biệt chú ý là bà con nông dân sản xuất nhỏ được tiếp cận các nguồn lực. Hiện nay giá lợn giống cao nên phải được tiếp cận. Thứ hai với chính sách tín dụng thế nào để tạo sinh kế cho bà con nông dân, những người sản xuất nhỏ. Còn đối với cơ sở doanh nghiệp sản xuất lớn thì giá hiện nay là tốt lắm rồi, vì vậy phải đặc biệt quan tâm người chăn nuôi, bởi trước kia bị thiệt hại, bây giờ muốn tái hiện lại khó khăn do không có giống, không có vốn. Chính chỗ này phải tập trung mọi điều kiện cho các hộ chăn nuôi nhỏ, bà con nông dân có điều kiện để vừa tạo sinh kế nhưng vừa góp phần bù đắp những thiệt hại trước đây. Còn riêng về cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn từ chăn nuôi, thú y cấp tỉnh phải vào cuộc tăng cường hướng dẫn, không thể vì tăng đàn mà gặp lại rủi ro bệnh tật tái phát là không thể được./.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;