Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức buộc phải tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về vấn đề này.
Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) vào ngày 3/7 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ NN-PTNT đã tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
Hiện cả nước đã có 170 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, với hơn 4.800 doanh nghiệp được chứng nhận; hơn 600 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích gần 6.400 ha nuôi trồng được cấp chứng nhận VietGAP; 792 trang trại và 2.500 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, sản lượng gần 600.000 tấn thịt; 58,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt tiêu chí bảo đảm ATTP.
Đến thời điểm này, đã có 1.711 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”.
Về nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đến nay toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển được 1.612 chuỗi, 2.346 sản phẩm, 2.989 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.
Trong 6 tháng qua, ngành nông nghiệp cũng đã kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất xử lý 7/1.054 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP; 87/812 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật; 3/1.074 mẫu thịt lợn, thịt và trứng gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh. Không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong 939 mẫu thịt lợn.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra 29.200 cơ sở, xử phạt hành chính 1.740 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với số tiền phạt trên 12 tỷ đồng...
Trước tình hình dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT đã giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường trọng điểm: Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu vải của Việt Nam; Trung Quốc đã chấp thuận bổ sung 5 cơ sở bao gói và 62 cơ sở nuôi tôm sú/thẻ chân trắng, 5 cơ sở bao gói và 55 cơ sở nuôi tôm hùm, cua sống của Việt Nam.
EU chấp thuận bổ sung 2 vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ mới; Liên bang Nga chấp thuận bổ sung 3 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách được phép xuất khẩu...
Đồng thời đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng và ATTP hiện gặp không ít khó khăn khi việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn hạn chế.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản cho biết: Chúng tôi đề nghị các địa phương phải có kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tế của từng địa phương để triển khai Chỉ thị này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên các phương diện: chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra phát hiện chỗ nào chưa là tốt để chấn chỉnh kịp thời; hỗ trợ nguồn nhân lực tổ chức các lớp đào tạo tập huấn.
Đồng thời, có những chính sách đặc thù ở từng địa phương để địa phương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện chỉ thị này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, mặc dù 6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất nông nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, ngành vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là về công nghiệp chế biến và chế biến sâu; hạ tầng kho bãi, trình độ công nghệ vẫn còn những hạn chế…
"Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nếu chúng ta không làm tốt công tác ATTP thì sẽ có nguy cơ giảm giá trị xuất khẩu, hàng hóa nông sản sẽ khó lưu thông sang các thị trường nước ngoài.
Do đó, trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ NN-PTNT tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng môi trường pháp lý đầy đủ, thông suốt và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; tăng cường công tác tuyền thông về các chính sách, văn bản, hướng dẫn về quản lý ATTP, các cơ sở sản xuất bảo đảm ATTP; có chế tài và chủ động xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm ATTP", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ cụ thể hóa phân công nhiệm vụ tới từng cơ quan, đơn vị trong ngành; lồng ghép triển khai trong kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp hàng năm để thực hiện tổng thể, hiệu quả hơn.
MINH THUẬN-LÊ KHÁNH/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã