Về xã An Bình, hỏi ông Cảm nuôi ba ba không ai là không biết, bởi ông là một trong những người đầu tiên nuôi con ba ba gai khổng lồ ở cái xã này...
Từ ngày ông Cảm đưa giống ba ba gai về nuôi, cả xóm vui nhất là những lúc ông lội xuống ao đi một vòng và tóm cổ những con ba ba khổng lồ đưa lên mặt nước. Cứ mỗi lần ông tóm được 1 con đưa lên mặt nước, đội lên đầu là lũ trẻ con, người lớn hô lên thích thú, trầm trồ xuýt xoa khen ngợi.
Những lúc đó, cái ao nuôi ba ba gai khổng lồ rộng chưa tới 1 sào của gia đình ông Cảm chộn rộn, náo nhiệt hẳn lên.
Ngày đầu tiên ông Cảm mò bắt ba ba lên, mọi người bảo con ba ba ông Cảm nuôi to đến phát khiếp. Ba ba gì mà lưng to như cái mâm, cái đầu thì to như cổ chân người lớn. Bắt ba ba lên nghe nó thở phì phì như trâu... nhìn thấy mà hãi.
Cũng như bao nhiêu khách hiếu kỳ, câu chuyện giữa phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN với ông Cảm xung quanh con ba ba gai khổng lồ cứ rôm rả như ngô rang.
Rót chén trà mời khách ông Cảm kể, mang tiếng là ở nông thôn nhưng đất nhà ông lại chật chội. Ngoài cái nhà, cả cơ ngơi nhà ông có mỗi cái ao rộng 200m2 để kiếm tiền. Nhưng khổ nỗi, ở cái ao bé đấy, bao nhiêu năm ông Cảm nuôi thả cá mà chẳng khá lên được.
Cá nuôi ở ao chật đã chậm lớn, mỗi khi trái gió trở trời, nắng nóng hay giá rét, lũ cá còn chết dần chết mòn. Có thời gian chán, ông Cảm không thèm ngó ngàng gì tới cái ao. Nhưng rồi, cuộc sống khó khăn, bao nhiêu thứ cần đến đồng tiền, khiến nhiều lúc ông Cảm "nghĩ đi tính lại" phải làm sao bắt cái ao đó phải làm ra tiền.
Một lần, cơm nước xong ông Cảm ngồi xỉa tăm xem ti vi vô tình mở đúng cái chương trình đang chiếu mô hình nuôi ba ba gai ở trên Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Nghe thấy nuôi loài ba ba gai khổng lồ cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt nuôi con ba ba này không cần diện tích lớn và thức ăn lại dễ kiếm, ông Cảm đã thấy "bồ kết".
Thấy nuôi loài ba ba gai khổng lồ phù hợp với điều kiện đất chật và cái ao nhỏ của gia đình, đầu năm 2000, ông Cảm liền bắt xe lên tận thị xã Nghĩa Lộ tìm tới tận trang trại nuôi ba ba gai để xin thăm quan học hỏi.
Lúc lên tới nơi ông Cảm thấy toàn ba ba gai to khổng lồ đến phát khiếp mà mê quá. Có con ba ba gai còn "siêu to khổng lồ" hơn cả con ông xem trên ti vi hôm trước. Sau khi nắm bắt được kỹ thuật nuôi ba ba, được truyền đạt kinh nghiệm nuôi ba ba, ông liền "xuống tiền" mua luôn 20 con ba ba gai giống về nuôi thử.
"Bấy giờ, mỗi con ba ba gai giống có giá 70.000 đồng. Hồi đó, vàng mới có hơn 300 ngàn một chỉ thôi. Xách lũ ba ba giống về làng nói chuyện, ai cũng lè lưỡi chê tôi dở dơi bỏ đóng tiền mua mấy con ba ba", mặn chuyện, ông Cảm kể lại với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Tuy điều kiện tự nhiên ở địa phương khác với trên vùng Yên Bái, nhưng đàn ba ba không những không chết con nào mà còn thích nghi và phát triển tốt với môi trường ở đồng chiêm trũng Thái Bình. Sau một năm miệt mài chăm sóc, đàn ba ba của ông Cảm lớn nhanh và được ông bán mỗi con với giá 170.000 đồng. Tức là ông cứ bán 2 con ba ba gai là mua được hơn 1 chỉ vàng. Cả làng trầm trồ khen ngợi.
"Cứ bán mỗi con ba ba gai thịt là tôi lãi hẳn 100.000 đồng. Ngày đó không có một vật nuôi dưới nước nào hiệu quả bằng con ba ba gai. Thức ăn cho ba ba gai ở quê lại dễ kiếm như giun, ốc, cá tạp... nên chi phí chăn nuôi thấp. Tôi nhớ, tôi nuôi 20 con ba ba đó giống như nuôi chơi vậy, làm chơi nhưng lại ăn thật và kiếm hẳn được 2 triệu đồng", ông Cảm nhớ lại.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục mở rộng mô hình nuôi ba ba gai. Đến nay gia đình ông Cảm đang nuôi hơn 700 con ba ba gai trong diện tích ao rộng 200m2. Trung bình mỗi năm, ông Cảm xuất bán hơn 600kg ba ba gai thương phẩm. Giá bán ba ba gai thương phẩm dao động từ 430.000 -450.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Cảm lãi hơn 130 triệu đồng.
Xung quanh ao nuôi ba ba, ông Cảm xây tường bao để tránh trường hợp ba ba có thể bò ra ngoài. Trên mặt ao ông Cảm thả bèo tây với mục đích làm mát về mùa hè và giữ ấm về mùa đông cho đàn ba ba. Toàn bộ ao nuôi ba ba của gia đình ông đều có hệ thống dẫn và thoát nước nhằm lưu thông và không để nguồn nước bị ô nhiễm dễ lây bệnh cho ba ba.
"Nếu trên cùng một diện tích thì không một loại vật nuôi thủy sản nào cho kinh tế bằng nuôi ba ba gai. Nếu nuôi cá thì một năm may mắn lắm thì kiếm được vài triệu đồng, còn không là mất cả chì lẫn chài, vì ao nhỏ nuôi cá không hiệu quả. Trong khi đó, ba ba là một loại vô cùng dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn lại rẻ tiền dễ kiếm và rẻ tiền, không cần diện tích lớn.
Cũng theo ông Cảm, đầu ra ba ba gai khá ổn định, chỉ cần cầm điện thoại a lô là có người đến tận nhà bắt. Thương lái chủ yếu là từ Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương…đến mua những con ba ba gai khổng lồ nhà ông Cảm. Ông Cảm cho hay, nuôi ba rất chắc ăn, chi phí đầu tư cho mô hình thấp, nuôi ba ba không bao giờ sợ lỗ.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ba ba gai, ông Cảm cho hay, ba ba gai có thể nuôi trong bể xi măng hoặc trong ao, diện tích ao tùy thuộc vào mật độ thả nuôi, nhưng phải đảm bảo mật độ 0,5 – 2 con/m2, độ sâu mực nước ao từ 1,5 – 2m.
Đáy ao nuôi ba ba cần xây dựng sao cho có độ nghiêng dần về cống thoát nước, góc ao phải có lối cho ba ba bò lên khu đất trống để phơi nắng khi cần thiết.
Người nuôi phải đảm bảo nước trong ao, bể nuôi ba ba luôn sạch. Vào mùa đông nên chú ý để bèo nhiều, giúp hút chất bẩn trong nước và giữ ấm cho ba ba. Vào mùa hè thì vớt bớt bèo đi, tạo thông thoáng cho ba ba phát triển...
https://danviet.vn/thai-binh-ngam-nhung-con-ba-ba-khong-lo-to-den-phat-khiep-trong-cai-ao-chua-den-1-sao-20200624084431194.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;