Những năm qua, việc mạnh dạn chuyển đổi sang phát triển các loại cây ăn trái trên những diện tích tiêu bị chết đã giúp không ít nông dân trên địa bàn huyện Chư Pưh từng bước vượt qua khó khăn. Cùng với đó, hiệu quả kinh tế mang lại đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Hơn 3 năm trước, diện tích hồ tiêu trên địa bàn xã Ia Hla, huyện Chư Pưh chết hàng loạt, gia đình ông Hoàng Thanh Nghĩa (thôn Tông Két, xã Ia Hla) đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả. Trên diện tích 10 ha, ông Nghĩa trồng 3.000 cây bơ Booth xen lẫn 3.000 cây sầu riêng và mít Thái. Đến nay, cây bơ bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên đạt khoảng 50-70 tấn/ha. Với giá bơ ở thời điểm hiện tại khoảng 20.000/kg, ông Nghĩa dự tính thu về khoảng trên 1 tỷ đồng. Trước đó 2 tháng, ông Nghĩa cũng thu hoạch vụ mít Thái được 450 triệu đồng. Theo tính toán, trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông Nghĩa thu về hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nghĩa cho biết, năm sau khi cây sầu riêng bắt đầu vào thu hoạch sẽ mang lại nguồn thu lớn cho gia đình bởi giá trị sầu riêng rất cao.
Nói về cây ăn quả, HTX Đại Ngàn (xã Ia Blứ) được xem là mô hình tiêu biểu của huyện Chư Pứh, hiện thu hút được 41 thành viên tham gia. HTX Đại Ngàn thực hiện việc liên kết sản xuất theo quy trình hữu cơ với các loại cây ăn trái như sầu riêng, mít Thái, na dai. Đặc biệt, sầu riêng là cây mũi nhọn được HTX đẩy mạnh mở rộng diện tích trong thời gian qua.
Ông Phạm Đức Diệt (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ), thành viên HTX Đại Ngàn cho biết, trước đây gia đình đã thất bại từ cây hồ tiêu khi sản xuất ồ ạt không theo quy hoạch, không gắn với chuỗi liên kết sản xuất theo quy trình hữu cơ… dẫn đến tiêu chết hàng loạt.
Thấm thía bài học đó, ông Diệt quyết định tham gia vào HTX Đại Ngàn để sản xuất cây sầu riêng theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ. Với 1,7 ha, ông Diệt trồng 160 gốc sầu riêng. Sau 4 năm, sầu riêng của ông Diệt đã cho thu hoạch. “Vụ vừa rồi, dù mới bước vào thu hoạch năm đầu nhưng với 100 gốc sầu riêng gia đình tôi thu được hơn 10 tấn quả, giá bán dao động từ 70 đến 75 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, gia đình tôi lãi hơn 500 triệu đồng” – ông Diệt phấn khởi.
Ông Nguyễn Viết Bình, Giám đốc HTX Đại Ngàn cho biết, mục tiêu của chúng tôi là liên kết với nhau để sản xuất ra những sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên.
Theo ông Bình, Hiện HTX Đại Ngàn đã cho ra thị trường sản phẩm sạch mang thương hiệu Sầu riêng hữu cơ Đại Ngàn, có tem truy xuất nguồn gốc và rất được thị trường đón nhận. Sản phẩm sầu riêng Đại Ngàn dược các đại lý ở phía Nam bao tiêu tại vườn với giá cao hơn thị trường từ 15 đến 20%.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng diện tích sầu riêng từ 50 ha hiện nay lên 120 ha, đồng thời mở rộng và xây dựng thêm thương hiệu các loại cây ăn quả khác như mít Thái, na dai, bơ Booth…” – ông Bình chia sẻ.
Hướng đến mô hình cây ăn quả bền vững, trong thời gian tới, huyện Chư Pứh tiếp tục triển khai dự án nông thôn mới về thực hiện các chuỗi liên kết gồm: Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nhãn hương chi theo chuỗi giá trị. Hiện HTX Nông lâm nghiệp – dịch vụ Trường xuân đã triển khai tại xã Ia Rong, Ia Hla, Ia Dreng, Ia Phang, Ia Le, Ia Hrú.
Trong khi đó, dự án liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm mít Thái an toàn trên địa bàn huyện đã được HTX Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS triển khai tại xã Ia Hla, Ia Dreng, Ia Blứ, Ia Hrú, Ia Rong, thị trấn Nhơn Hòa. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, HTX cũng liên kết và tiêu thụ sản phẩm đối với cây bơ, xoài, sầu riêng... cho người dân trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, UBND huyện đã triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng vùng chuyên canh cây có múi theo hướng VietGAP”.
Dự án được thực hiện trong 48 tháng với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 3,6 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân.
Theo đó, dự án triển khai trồng 20 ha cam CS1 tại xã Ia Le và 10 ha bưởi đỏ Hòa Bình tại xã Chư Don. Cùng với đó, dự án triển khai vườn ươm để nhân giống, chuyển giao kỹ thuật để mở rộng mô hình trên một số xã khác.
Đây là 2 loại cây trồng đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức, có năng suất cao hơn so với các giống đối chứng 15-30%, chất lượng quả tốt.
Ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh: Hiện có 20 hộ dân tại xã Ia Le đã trồng được 10 ha cam CS1 và 5 hộ dân ở xã Chư Don đã trồng được 5 ha bưởi đỏ Hòa Bình. Theo tính toán, diện tích này sẽ cho thu bói 75 tấn quả, tương đương 5 tấn/ha. Với giá bán ổn định ở mức 35-40 ngàn đồng/kg, người dân sẽ có nguồn thu nhập khá. Trong năm nay, dự án sẽ tiếp tục triển khai 10 ha cam CS1 và 5 ha bưởi đỏ Hòa Bình tại 2 xã Ia Le và Chư Don. Cùng với đó, huyện sẽ nhân rộng dự án tại các thôn, làng khó khăn ở các xã Ia Le, Chư Don, Ia Hla, Ia Hrú. Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP nhằm góp phần cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, qua đó hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn đang là mục tiêu mà huyện hướng đến.
ĐĂNG LÂM-TUẤN ANH/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã