Học tập đạo đức HCM

Lợi ích kép từ sản xuất lúa hữu cơ

Thứ sáu - 17/05/2024 04:46
Những năm gần đây nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã tiến hành sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng phương thức mạ khay, máy cấy, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là bước chuyển dịch tích cực, vừa nâng cao năng suất, tạo sản phẩm sạch, mang lại lợi nhuận cao vừa giúp phục hồi hệ sinh thái trên đồng ruộng, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Vụ Xuân năm 2024, gia đình ông Nguyễn Đình Tý, ở thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên sản xuất 6 sào lúa  theo hướng hữu cơ. Đây là vụ sản xuất thứ 2 ông Tý áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm. Rút kinh nghiệm từ vụ sản xuất trước, vụ này, ông Tý tuân thủ đúng quy trình sản xuất, theo dõi chặt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa để có hướng chăm sóc phù hợp, nên lúa năm nay sinh trưởng phát triển tốt, đến kỳ thu hoạch cho năng suất khá cao 3,3 tạ/sào.
Ông Nguyễn Đình Tý chia sẻ: Khi tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ và  trực tiếp thực hiện trên chính ruộng của gia đình mới thấy được giá trị mang lại. Cả quá trình sản xuất, chúng tôi được áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy, giảm được rất nhiều công lao động. Quá trình sản xuất, cây lúa được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ vi sinh, các phân hữu cơ khoáng do công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cung cấp, vì thế, rất an toàn cho đồng ruộng và người sản xuất. Cây lúa khỏe mạnh, ít sâu bệnh, hạt lúa vàng, sáng rất đẹp, năng suất đạt khá cao 3,3 tạ/sào, và được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với lúa canh tác thông thường từ 1.000-1.200 đồng/kg, nên chúng tôi rất phấn khởi.
hinh 1
Nhờ trồng lúa hữu cơ mà  ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Đình Tý (thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên) cho năng suất, chất lượng cao, tăng  lợi nhuận hơn 10 triệu đồng so với sản xuất lúa truyền thống
Thực hiện chủ trương chuyển đổi phương thức sản xuất, từ việc thử nghiệm sản xuất lúa hữu cơ trong vụ hè thu năm 2023 tại thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên, với diện tích 2 ha, vụ Xuân 2024, UBND huyện Can Lộc tiếp tục phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên diện tích 15 ha, tại thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên; thôn Tài Năng, xã Tùng Lộc và thôn Phúc Tân, xã Kim Song Trường. Toàn bộ số diện tích đều cùng sản xuất giống lúa DT39, ứng dụng phương thức mạ khay, máy cấy Kubuta theo công nghệ Nhật Bản. Theo đánh giá, trong quá trình sinh trưởng, cây lúa phát triển tốt so với lúa gieo thẳng ở các vùng đối chứng, năng suất bình quân đạt từ 60 - 62 tạ/ha, được thu mua với mức giá cao hơn giá lúa thông thường từ 10 - 15%, tăng lợi nhuận từ 10 -12 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Can Lộc cho hay: Về năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ có thể cao hơn hoặc tương đương lúa canh tác thông thường nhưng về  hiệu quả kinh tế, cho lợi nhuận cao hơn 440.000 đồng/sào so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, tạo ra sản phẩm an toàn. Qua những vụ sản xuất, người dân cơ bản đã nắm bắt được quy trình và lợi ích mang lại nên họ đã có thay đổi trong tư duy canh tác. Huyện Can Lộc sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; quy hoạch vùng để tập trung chỉ đạo sản xuất, từng bước phát triển lúa hữu cơ theo đúng các quy chuẩn, quy định và xây dựng đề án phát triển thương hiệu gạo Can Lộc trong thời gian tới.
Những năm gần đây, phong trào sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Cẩm Xuyên cũng phát triển mạnh mẽ. Từ kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ những vụ trước, vụ xuân 2024, trên địa bàn huyện đã nhân rộng với tổng diện tích gần 100 ha trên địa bàn 7 xã, trong đó, vùng sản xuất tại xã Cẩm Bình đã bước sang vụ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ thứ 3, còn 7 vùng còn lại thuộc địa bàn các xã, Yên Hòa, Nam Phúc Thăng, Cẩm Thành, Cẩm Dương, Cẩm Vịnh và Thị trấn Cẩm Xuyên mới sản xuất vụ đầu tiên.
Cũng như nhiều hộ dân trong thôn, đây là vụ thứ 3 gia đình ông Trần Hữu Minh ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình triển khai mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ do UBND huyện Cẩm Xuyên  triển khai và được Công ty Cổ phần Hòa Lạc IEC liên kết bao tiêu sản phẩm.
hinh 2
 Niềm vui của người dân khi tham gia sản xuất lúa hữu cơ
Ông Minh chia sẻ: “Năm 2023 là năm đầu tiên được triển khai tại vụ xuân và vụ hè thu, chúng tôi tập trung cải tạo chất đất nên chi phí sản xuất cao hơn. Sang năm thứ 2, không phải bón lót nhiều, gia đình chỉ bón thúc 2 đợt phân hữu cơ Boss Farm 4 và phun chế phẩm sinh học  của Công ty Cổ phần Hòa Lạc IEC cung cấp nhưng lúa rất xanh tốt. Sau thu hoạch, năng suất đạt hơn 3,2 tạ/sào, cao hơn vụ hè thu năm ngoái 0,2 tạ/sào. Hơn 13 sào lúa hữu cơ của gia đình cho năng suất hơn 4,2 tấn, dù so với các loại lúa thường, năng suất tương đương nhưng giá bán 12.000 đồng/kg, cao hơn lúa thường, gia đình thu về khoảng 50 triệu đồng, cao gấp gần 1/3 so với sản xuất lúa khác và được Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên chúng tôi không phải lo lắng.”.
Thực tế đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế tại vùng sản xuất lúa hữu cơ ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, vụ xuân 2024 năng suất ước đạt khoảng 3,3 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/sào, cao hơn sản xuất truyền thống hơn 400.000 đồng/sào. So với vụ sản xuất năm 2023, vụ xuân này, người dân xã Cẩm Bình đã giảm được 33% chi phí phân bón, giống. Việc giảm phân bón này là kết quả của quá trình cải tạo đất ở những vụ sản xuất trước.
Về mặt môi trường, sản xuất theo quy trình hữu cơ không sử dụng phân bón vô cơ góp phần cải tạo đất, tăng số lượng vi sinh vật trong đất, giảm chi phí sản xuất,… Đặc biệt, cây lúa khi sản xuất theo quy trình hữu cơ đẻ nhánh khỏe, bông lúa dài và nhiều hạt, chống chịu với sâu bệnh tốt hơn sản xuất thông thường.
hifh 4 2
 Lúa hữu cơ được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm thu mua tại chân ruộng với giá cao, giúp người dân có lãi 1,5-1,7 triệu đồng/sào (500 m2).
Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Hiện nay, huyện Cẩm Xuyên đã có gần 16 ha lúa sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ và 84 ha sản xuất theo hướng hữu cơ với các giống lúa chất lượng cao như: ST24, ST25, Bắc Thịnh. Số diện tích 16ha tại xã Cẩm Bình đang được hoàn thiện hồ sơ để cấp chứng nhận hữu cơ. Lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ được công ty thu mua với giá 12.000đồng/kg, còn lúa sản xuất theo hướng hữu cơ được thu mua với giá 9.000 đồng/kg, cao hơn lúa sản xuất thông thường 2.000-5000 đồng/kg tùy loại. Việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nên giá bán cao. Bình quân mỗi ha, người dân có lãi 33-35 triệu đồng, cao hơn so với sản xuất truyền thống 13-15 triệu đồng/ha. Điều này sẽ giúp bà con thêm tin tưởng, yên tâm tham gia sản xuất, làm tiền đề để huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ trong thời gian tới.
“Việc tăng diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Cẩm Xuyên nằm trong kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện này trong giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2023, Cẩm Xuyên đã đăng ký xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Cẩm Xuyên" với các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Bắc Thịnh, ĐT39. Chính quyền và ngành chức năng huyện Cẩm Xuyên đang tiếp xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm, xúc tiến kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đưa các sản phẩm gạo hữu cơ của  Cẩm Xuyên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử của tỉnh để tăng cơ hội cho sản phẩm địa phương. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Cẩm Xuyên sẽ tăng đến 300ha.”. Ông Lê Ngọc Hà cho biết thêm.
Có thể thấy, sản xuất lúa hữu cơ tuy phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe, nhưng khi các tiêu chí đã được đáp ứng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, như: Giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá bán cao và lợi nhuận tốt hơn. Không những vậy, quá trình này còn giúp thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sức khỏe con người. Kết quả những mô hình sẽ là tiền đề để ngành nông nghiệp có thêm cơ sở định hướng nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch và bền vững./.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập449
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm448
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại221,183
  • Tổng lượt truy cập90,284,576
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây