|
Khoai tây KT5 cho năng suất cao tại Thái Bình |
- Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng, phát triển khoẻ. Thời gian sinh trưởng 85 - 90 ngày. Dạng cây nửa đứng. Củ hình oval, mắt nông, vỏ củ vàng, ruột củ vàng (hợp thị hiếu người tiêu dùng), số lượng củ/cây trung bình từ 6 - 8 củ. Nhiễm sâu hại (rệp, nhện, bọ trĩ) ở mức trung bình. Nhiễm nhẹ với bệnh mốc sương, héo xanh, virus. Tiềm năng năng suất cao (25 - 30 tấn/ha). Tỷ lệ chất khô trung bình đạt 18,8%. Hàm lượng đường khử đạt 0,55%. Tỷ lệ tinh bột là 16,8%.
- Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
Chọn ruộng đất thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt. Cày bừa làm nhỏ đất, thu gom sạch cỏ. Lên luống cao 20 - 25cm, rộng 1,2m (luống đôi) hoặc 80 - 90cm (luống đơn).
Thời vụ trồng từ 25/10 - 15/11 dương lịch. Trước khi trồng 1 - 2 ngày, nếu củ giống to, có nhiều mầm nên bổ thành miếng bằng dao sắc, mỗi miếng có từ 2 - 3 mầm. Rạch hàng trên mặt luống, rải phân chuồng mục, phân lân vào rãnh. Đặt củ giống hay miếng khoai giống vào rạch (không để củ giống tiếp xúc với phân hoá học). Khoảng cách trồng 30cm/khóm. Đảm bảo mật độ trồng 5 khóm/m2 (1.800 khóm/sào Bắc bộ, tương đương 50 - 60kg củ/sào).
Phân bón (cho 1ha): Phân chuồng hoai mục 15 tấn hoặc phân vi sinh 1 - 1,2 tấn (không dùng phân trấu gia cầm tươi, vì sẽ làm cho củ khoai tây bị ghẻ). Phân hoá học đơn chất bón theo tỷ lệ, N: P2O5: K2O = 150kg: 150kg: 150kg. Quy ra sào Bắc bộ (360m2): Phân chuồng 500kg. Đạm urê 10 - 12kg. Kali sunfat 9 - 10kg. Lân supe 30 - 35kg.
Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, 50% lượng đạm, 50% lượng kali. Bón thúc đợt 1 (khi cây cao 15 - 20cm) nốt số phân còn lại, kết hợp vun xới nhẹ. Vun xới lần 2 (vun cao) sau đợt 1 từ 10 - 15 ngày. Nên kết thúc vun xới sau khi trồng 40 ngày.
Chăm sóc và phòng trừ một số sâu bệnh hại chính: Đảm bảo độ ẩm đất thường xuyên ở mức 80% sức giữ ẩm tối đa đồng ruộng. Giai đoạn sau trồng 10 - 15 ngày nếu đất khô, nên tưới rãnh nhẹ cho khoai mọc nhanh và đều. Không được tưới nước ở giai đoạn trước thu hoạch 15 - 20 ngày, để tránh ảnh hưởng đến chất lượng củ sau thu hoạch.
Áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) trên cây khoai tây, bao gồm: Sử dụng củ giống sạch bệnh. Trồng xa khu vực có ruộng khoai hoặc ký chủ khác đã bị nhiễm bệnh. Không trồng hoặc hạn chế trồng khoai tây gần các ruộng cây trồng có cùng ký chủ như bí đỏ, rau cải, đậu đỗ các loại...
Vệ sinh đồng ruộng (thu gom tiêu huỷ tàn dư thực vật, loại bỏ các cây khoai tây mọc từ các củ còn sót lại từ vụ trước. Không đổ củ thối, củ nhiễm bệnh trong hoặc xung quanh ruộng trồng khoai tây). Dùng bẫy vàng. Cắt hủy lá ở khu vực ruộng bị bệnh hại nặng. Trồng luân canh khoai tây với cây trồng nước. Phun thuốc hóa học khi phát hiện có sâu bệnh hại...
Trừ sâu xám, sâu ăn lá, phun thuốc Superfoss vào lúc chiều tối (30 - 40 ml/bình 16 lít/1 sào). Trừ rệp, bọ trĩ, nhện, phun Sherpa, Bassa kết hợp với Minkhada.
Phun phòng bệnh mốc sương định kỳ 7 - 10 ngày/1 lần (trước khi cây khoai tây khép tán) bằng một trong các loại thuốc Mancozeb, Zineb, Đồng oxy clorua, Daconil, Aliette, Curzate M8. Chú ý theo dõi thời tiết, nếu có mưa hoặc sương mù liên tục 2 - 3 ngày liền, kèm theo nhiệt độ không khí dưới 260C, cần phun phòng 4 - 5 ngày/1 lần.
Khi cây khoai xuất hiện những triệu chứng bệnh đầu tiên, cần phun ngay Curzate M8, Acrobat hoặc Melody Duo. Sau đó phun luân phiên các thuốc trên Duo với Fungunran, Aliette, Ridomil. Có thể phối trộn Curzate M8 và Acrobat với Mancozeb. Sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao gói. Luân phiên sử dụng thuốc BVTV.
Thu hoạch khi có 2/3 số thân lá cây khoai trên ruộng đã chuyển màu vàng, thu hoạch vào các ngày khô ráo.
Theo Phương Nguyễn/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;