Sông Ngàn Phố, nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa.Ảnh: Đậu Bình |
Cũng từ những cung bậc cảm xúc ấy, cũng từ mạch nguồn trong mát, thơ mộng của dòng sông La hiền hòa với nghề dệt lụa Hạ nổi tiếng từ bao đời đã trở thành chất xúc tác để nhạc sỹ Lê Việt Hòa - một người con của mảnh đất Hà Tây gửi lòng mình qua những ca từ da diết. Ơi dòng sông La, ơi niềm thương nỗi nhớ, anh biết từ lâu quê em nơi đó. Anh ước mơ hoài mà chưa được đi qua...(Gửi sông La).
Hà Tĩnh, vùng quê với phong cảnh non nước hữu tình, nơi có dòng sông La, dãy non Hồng điệp trùng 99 ngọn, với suối ngọc, ao trời... cũng đã trở thành niềm tự hào bất tận của các nhạc sỹ - những người con sinh ra trên mảnh đất địa linh và lớn lên bằng những câu hò, điệu ví ngọt ngào từ lời ru của bà, của mẹ. Cảm xúc mãnh liệt, tình yêu quê hương thiết tha, sâu lắng ấy cũng đã được các nhạc sỹ gửi gắm qua những ca khúc sâu nặng nghĩa tình. Quê mình giữa niềm thương, nước non tình còn đó, để thành trong nỗi nhớ, một thời giữa phong ba... (Hà Tĩnh quê mình - Ngọc Thịnh);Quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thâm cả bùn non. Quê tôi gừng cay muối mặn, níu bao đời câu buồn vui, ngọt đắng...(Nơi ấy quê mình - Mạnh Chiến); Huyền thoại núi Hồng; Núi Hồng, sông Lam; Sông La ngày về của nhạc sỹ Quốc Việt... Và đặc biệt, với nhạc sỹ An Thuyên, Hà Tĩnh dường như đã trở thành một phần máu thịt trong ông. Những giai điệu thiết tha, những ca từ lắng đọng gợi hình, gợi cảm về một miền quê đầy khắc khoải đã làm rung động tâm hồn biết bao người. Với Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ. Khi tôi ấu thơ, gió bụi cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn. Ơi Hà Tĩnh mình. Đường về có nhớ. Trời chang chang nắng, ai quàng áo tơi...(Hà Tĩnh mình thương).
Nghi Xuân phong cảnh hữu tình |
Cuộc sống chẳng bao giờ chán nản khi con người biết vượt khó vươn lên. Bằng niềm lạc quan, yêu cuộc sống ấy, với biết bao thế hệ người dân, sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng chỉ là những thử thách góp phần tôi luyện nên ý chí kiên cường của người Hà Tĩnh. Truyền thống và tình yêu quê hương tha thiết cùng niềm lạc quan, yêu đời ấy không chỉ được thể hiện qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập mà còn được thể hiện qua sức mạnh đoàn kết của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn. Mà đời không ngại đào mấy con kênh. Đắp hồ xây đập ta nuôi dòng nước ngọt. Để đàn mương nhỏ tắm mát quanh năm. Ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm - (Người đi xây hồ Kẻ Gỗ - Nguyễn Văn Tý).
Đã có hơn một trăm ca khúc nổi tiếng viết về miền quê thơ ấy, với nguồn cảm hứng bất tận, với bút pháp và phong cách đa dạng đã vẽ nên một phần bức tranh sinh động bằng âm nhạc phản ánh hiện thực phong phú của Hà Tĩnh hôm qua và hôm nay. Những ca từ lắng đọng không chỉ sống mãi với thời gian, gợi thương, gợi nhớ cho biết bao người dẫu chưa một lần đặt chân đến Hà Tĩnh thêm niềm khao khát, mà còn là những nỗi niềm day dứt, tình cảm thiêng liêng, níu bước những người con xa xứ quay về. Ngày ấy bên bờ sông La, anh nghe câu hò ví giặm. Để một đời anh đi xa, để ngàn lần anh nhớ mãi (Câu đợi câu chờ - Ngọc Thịnh); Anh đã đi muôn nơi vẫn nhớ về quê em Hà Tĩnh. Một vùng quê tha thiết ân tình... (Nhớ về Hà Tĩnh - Hồ Hữu Thới)...
Và với tôi, dẫu không được sinh ra trên mảnh đất này nhưng Hà Tĩnh đã trở thành một phần không thể thiếu, đó không chỉ là những tình cảm thiêng liêng, gắn bó mà còn là những câu hát gợi nhớ, gợi thương lắng đọng. Hà Tĩnh quê mình!
Theo: Baohatinh.vn