Đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao Cờ đơn vị xuất sắc nhiệm kỳ 2013 - 2018 cho Hội Nông dân Hà Tĩnh
Cuối tháng 10/1930, tổ chức Nông Hội đỏ Hà Tĩnh - tiền thân của Hội Nông dân Hà Tĩnh hiện nay chính thức được thành lập. Ngay sau ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hội viên, nông dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã góp phần to lớn làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Đến đầu năm 1931, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 170 làng có tổ chức Nông Hội đỏ. Hội Nông dân là thành viên tích cực của Mặt trận Việt Minh, một lực lượng đông đảo góp phần làm nên Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công (Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh của cả nước giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân sớm nhất).
Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết (ngày 20/7/1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, hội viên, nông dân Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng "ba ngọn cờ hồng", vận động nông dân đi vào làm ăn tập thể, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; động viên con em sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ giải phóng đất nước, lực lượng ở lại vừa tăng gia sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo mạch máu giao thông thường xuyên thông suốt, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam; góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân cả nước, nông dân Hà Tĩnh cùng nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Với bề dày truyền thống đó, tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
Bước sang thời kỳ đổi mới và sau 27 năm tái lập tỉnh, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của nông dân Việt Nam, của Xô Viết Nghệ Tĩnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung thi đua do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động.
Đặc biệt 5 năm gần đây (2013 - 2018), mặc dù tình hình kinh tế - xã hội Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, thiên tai, bão lũ…, nhưng cán bộ, hội viên, nông dân Hà Tĩnh đã phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", nhất là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất tạo ra vùng sản xuất tập trung; tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tín chấp cho nông dân vay vốn, giống cây con và máy móc nông cụ trả chậm, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể, ký kết các chương trình phối hợp với các sở, ngành để đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn...
Hiện nay, toàn tỉnh có 205 hộ nông dân có thu nhập từ 01 tỷ đồng trở lên, 1.541 hộ thu nhập từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng. Cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh tích cực hưởng ứng Phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong 5 năm qua, có 52.140 hộ nông dân hiến tổng cộng 276,3ha đất; nông dân toàn tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công để làm mới, sửa chữa 1.342km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 2.267km kênh mương; vận động, giúp đỡ các hộ gia đình xóa bỏ, cải tạo 35.390 vườn tạp; xây dựng 796 vườn mẫu, 12 khu dân cư kiểu mẫu…
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm thôn Đền, xã Tượng Sơn, huyện Đức Thọ
Bênh cạnh đó, công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội được các cấp Hội quan tâm cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Các cấp Hội tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn lợi ích và nguyện vọng chính đáng của hội viên. Từ năm 2014 đến nay có 9.475 lượt cán bộ các cấp Hội được đào tạo, bồi dưỡng; kết nạp được 26.280 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 234.248 hội viên, đạt tỷ lệ thu hút 80,4% so với tổng số hộ nông dân… Ghi nhận những đóng góp đó, Hội Nông dân Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ thi đua Đơn vị xuất sắc nhiệm kỳ 2013 - 2018 và Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua các năm 2015, 2016, 2017. Một số nông dân tiêu biểu được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
Phát huy những kết quả đạt được trong 88 năm qua, thời gian tới, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, giúp nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân.
Theo Dương Trí Thức/hatinh.dcs.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã