Tín dụng - dồn sức
Từ năm 2012, kế hoạch của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2012-2020 được ban hành sâu rộng trong toàn thể cán bộ, nhân viên. Mặt trận hàng đầu gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng được xác định là dồn sức đầu tư tín dụng cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Các ngân hàng đầu tư cho các mô hình sản xuất trong chương trình xây dựng NTM |
Trách nhiệm và cũng là cơ hội của ngành Ngân hàng trong suốt quá trình chung sức xây dựng NTM thể hiện rất rõ khi tỉnh ta xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt và chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) được sử dụng để kích cầu phát triển các mô hình SXKD. Ngành Ngân hàng đã vào cuộc sớm trong nhiệm vụ này với việc chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ SXKD, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, đồng thời, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai các quyết định về HTLS, chỉ đạo, đôn đốc các TCTD thực hiện. Sau 4 năm thực hiện chính sách HTLS, với sự vào cuộc của các TCTD trên địa bàn, đã có 22.681 lượt khách hàng tiếp cận nguồn vốn rẻ với tổng dư nợ được hỗ trợ 1.173 tỷ đồng và tổng số tiền lãi hỗ trợ hơn 83 tỷ đồng.
Với các TCTD, có thể nói, chưa bao giờ nguồn lực đầu tư cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp - nông thôn lại được ưu tiên như những năm gần đây. Không chỉ tập trung tối đa vốn tín dụng, ngân hàng còn chủ động tìm kiếm khách hàng và hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các quy trình thủ tục vay vốn, HTLS. Giám đốc Agribank Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Diên cho biết: “Các đợt huy động tiết kiệm được triển khai liên tục trong những năm gần đây đều tập trung vào mục tiêu đầu tư cho “tam nông”. Trong tổng dư nợ cho vay 8.600 tỷ đồng của chi nhánh hiện nay, có 92% dành cho nông nghiệp - nông thôn và tập trung vào sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh”.
Điểm mới trong bức tranh tín dụng cho NTM đó là ngoài vai trò chủ công của Agribank, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cũng đã phát huy cao vai trò của kênh vốn gần dân. Cùng đó là sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại khác trong lĩnh vực đầu tư tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn. Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh - Nguyễn Hữu Lực cho biết: Việc phát triển mạng lưới đến các huyện, thị, thành phố đang tạo điều kiện cho Vietcombank bước sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn với nhiều dự án cho vay hiệu quả. Vietcombank Hà Tĩnh là ngân hàng được lựa chọn triển khai thực hiện chính sách cho vay thí điểm trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, chi nhánh đang triển khai hợp tác đầu tư tín dụng với Mitraco với 3 dự án (trồng rau - củ - quả trên đất cát, phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco), số vốn cho vay cam kết là 192,14 tỷ đồng.
Đỡ đầu - chung tay
Hưởng ứng lời kêu gọi đỡ đầu tài trợ các địa phương thực hiện chương trình NTM, hiện nay, ngành Ngân hàng đang nhận tài trợ, đỡ đầu 7 xã: Cẩm Lạc, Cẩm Nam (Cẩm Xuyên); Thuần Thiện (Can Lộc); Thạch Tiến (Thạch Hà); Sơn Trung (Hương Sơn); Thạch Môn (TP Hà Tĩnh); Đức La (Đức Thọ). Bằng nhiều cách huy động nguồn lực: từ sự hỗ trợ của Ngân hàng T.Ư, đóng góp của cán bộ, nhân viên, trích từ lợi nhuận của đơn vị..., các ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động đỡ đầu có hiệu quả. Trong đó, chủ yếu tập trung hỗ trợ thực hiện công trình hạ tầng cơ sở. Theo thống kê, từ năm 2011-2015, các TCTD đã tài trợ 151 tỷ đồng giúp các địa phương xây dựng NTM.
Trang trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Bình (xã Thạch Tiến - Thạch Hà) được BIDV Hà Tĩnh đầu tư vốn |
Sự hỗ trợ của các ngân hàng đã giúp nhiều địa phương hoàn thành các công trình trường học, trạm y tế, xóa nhà tạm bợ. Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc - Nguyễn Văn Thuấn cho biết: “Với điểm xuất phát thấp, chúng tôi gặp nhiều thách thức khi thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM. Bởi vậy, sự chung tay của các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước, VPbank, Techcombank, Bắc Á bank, MaritimeBank và HD Bank) với tổng số tiền tài trợ hơn 400 triệu đồng đã giúp địa phương có thêm nguồn lực quý giá. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc tích cực của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã thành lập và đưa quỹ tín dụng nhân dân xã vào hoạt động ổn định, hiệu quả”. Được biết, đồng hành với xã nghèo trong nỗ lực về đích trước hạn, các ngân hàng trên địa bàn đã trực tiếp góp sức cho địa phương hoàn thành 3 tiêu chí (nhà ở dân cư, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất). Đến thời điểm này, Cẩm Lạc đã hoàn thành 13/19 tiêu chí và đang dồn sức cho các tiêu chí còn lại với mục tiêu về đích vào cuối năm 2015.
“Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, vừa đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư tín dụng, vừa hỗ trợ tích cực các địa phương xây dựng hạ tầng cơ sở, về đích NTM” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến khẳng định.
Vũ Dũng - Bảo Trân
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã