Bên cạnh việc áp dụng lãi suất cạnh tranh, các ngân hàng còn chú trọng nâng cao nghiệp vụ, phong cách phục vụ khách hàng cho đội ngũ cán bộ.
Ổn định lãi suất, hài hòa lợi ích
Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Năm qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều biến động, chi nhánh đã bám sát các chính sách vĩ mô, chủ động thực thi các giải pháp, đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá, củng cố lòng tin vào VND. Nhờ vậy, thị trường tiền tệ trên địa bàn giữ ổn định, tổng nguồn vốn huy động đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (22,96%). Dấu hiệu này cho thấy kinh tế địa phương đang phục hồi, tạo dòng vốn cho các ngân hàng nâng cao vị thế, cũng như các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới với chi phí hợp lý hơn”.
Ghi nhận của NHNN tỉnh, từ đầu năm đến nay, không có tổ chức tín dụng nào vi phạm quy định của Thống đốc NHNN về lãi suất, cũng như không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần giữa các ngân hàng. Mặt bằng lãi suất hiện nay so với cách đây 5-6 năm đã giảm mạnh. Song, điều đó không làm ảnh hưởng đến dòng tiền gửi vào ngân hàng.
Ước đến 31/12/2017, nguồn vốn đạt 42.050 tỷ đồng, tăng 22,96% so với đầu năm, vượt 35,06% kế hoạch đề ra đầu năm (kế hoạch +17%). Trong đó, tiền gửi dân cư tăng gần 20% và tăng đều trong các tháng. Tăng tiềm lực vốn cho các ngân hàng, kết quả này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu điều hành diễn biến tiền tệ và lạm phát của Chính phủ. Quan trọng, điều hòa mục đích giữa ngân hàng và người gửi tiền.
Ông Trần Minh Sơn (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Với số vốn không nhiều, trong khi tình hình kinh tế chưa hết khó khăn thì việc đầu tư cần phải cân nhắc. Cho nên chúng tôi chọn gửi tiền vào ngân hàng để đảm bảo an toàn”.
Có đến 97% tiền gửi tiết kiệm là VND, khẳng định năng lực đồng tiền Việt trong nền kinh tế. Năm nay, xu thế gửi tiết kiệm trung và dài hạn tăng (trên 50%), tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Tỷ trọng nguồn vốn của các ngân hàng không có sự chênh lệch lớn. Dẫn đầu vẫn là Ngân hàng No&PTNT (Agribank) Hà Tĩnh – đơn vị có thị phần lớn nhất tỉnh với nguồn vốn chiếm 38,86%. Các “ông lớn” như Ngoại thương (Vietcombank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Công thương (Vietinbank) ở mức từ 8 - 12%. Hệ thống ngân hàng cổ phần cũng đang thể hiện vai trò chiếm lĩnh của mình, nổi bật như: ACB, HD Bank…
Nguồn tiền mà các tổ chức tín dụng huy động được đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trên địa bàn. Ảnh: Huy Tùng
Nâng cao dịch vụ, an toàn kho quỹ…
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Techcombank... đều triển khai dịch vụ tiết kiệm trực tuyến. Theo đó, khách hàng chỉ cần đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến là có thể chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản gửi tiền trực tuyến để được hưởng mức lãi suất hấp dẫn.
Ông Phan Viết Phong - Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Hà Tĩnh cho hay: “Để huy động nguồn vốn hiệu quả thì chất lượng là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh áp dụng lãi suất cạnh tranh, ứng dụng công nghệ tiên tiến thì hệ thống Vietcombank luôn quan tâm nâng cao nghiệp vụ, phong cách phục vụ của cán bộ hướng tới sự chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn hệ thống nhằm tạo uy tín của một ngân hàng hàng đầu”. So với toàn hệ thống, mức lãi suất tiền gửi của Vietcombank ở nhóm thấp, song tổng nguồn vốn của chi nhánh này tại Hà Tĩnh đạt gần 500 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng nguồn vốn.
Các chương trình khuyến mãi liên tục được triển khai, khách hàng thoải mái “chọn mặt gửi vàng”. Không chỉ đầu tư sinh lãi, nhiều khách hàng còn coi đây là cơ hội “săn” may mắn với những giải thưởng có giá trị lớn như: Gửi tiền tiết kiệm, trúng ô tô của Agribank Hà Tĩnh; “Gửi tiền trúng tiền” của Vietcombank… Bên cạnh đó, công tác ngân quỹ ngày càng được hoàn thiện, minh bạch, giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Mỗi năm, ngân quỹ các ngân hàng trả lại hàng trăm tỷ đồng tiền thừa cho khách hàng.
Theo Tuệ Anh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã