Sau 3 năm triển khai mô hình phối hợp giữa dự án và hội phụ nữ, đến thời điểm này, ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang, đã thành lập được 97 tổ tín dụng tiết kiệm (TDTK) tại 21 xã vùng cao với 858 thành viên tham gia. Hướng tới đối tượng yếu thế, hoạt động TDTK ở các xã vùng cao đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng lợi chương trình với tỷ lệ tham gia đạt hơn 13%. Doanh số cho vay đến nay đạt trên 16 tỷ đồng, dư nợ vốn vay gần 12 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay của tổ tín dụng tiết kiệm, gia đình chị Trịnh Thị Kim Yến (xóm 8, xã Sơn Trường - Hương Sơn) phát triển mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hoạt động tín dụng tại 21 xã vùng cao được triển khai chặt chẽ, đảm bảo quy trình. Với việc cho vay không cần tài sản thế chấp mà bằng tín chấp thông qua tổ TDTK; thủ tục đơn giản; các hoạt động giao dịch thực hiện tại xã, người vay rất thuận lợi khi tiếp cận nguồn vốn. Phần lớn vốn vay đều được các thành viên sử dụng đúng mục đích và hiệu quả; tỷ lệ thu gốc, lãi hàng tháng đạt 100%. “Thông qua hoạt động của quỹ, các thành viên được chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế từ các thành viên trong tổ TDTK. Từ đó, quỹ đã trở thành trường học giúp các hộ khó khăn, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực, biết tính toán, làm ăn, hình thành ý thức tiết kiệm, tăng thu nhập và điều kiện sống” - Chủ tịch Hội LHPN Hương Khê Trương Thị Hằng cho biết.
Mặc dù vốn vay của quỹ không lớn như các ngân hàng nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp các thành viên đầu tư SXKD, tạo dựng tài sản, ổn định chi tiêu. Chị Phan Thị Vân (xã Phúc Đồng, Hương Khê) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Với số vốn vay 30 triệu đồng, vợ chồng chị bắt tay xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả trên diện tích 9 sào. Sau hơn 1 năm phấn đấu, hiện tại, lứa lợn đầu tiên đã được xuất chuồng với mức thu nhập 75 triệu đồng. Chị Hoàng Thị Hoài (xã Sơn Lâm, Hương Sơn) sau khi vay hơn 48 triệu đồng, đã đầu tư mua 3 con hươu đực giống để cải thiện chất lượng nhung. Hiện tại, mô hình nuôi hươu của gia đình đã có 14 con. Chị Nguyễn Thị Cửu (tổ hợp tác trồng cam, xã Đức Bồng, Vũ Quang), sau khi vay hơn 30 triệu đồng đã trồng thêm 200 gốc, hiện cam đang phát triển tốt. Ngoài ra, gia đình chị được dự án SRDP hỗ trợ mô hình tưới nước nhỏ giọt, mỗi năm thu nhập tăng thêm 8 triệu đồng.
Các thành viên không chỉ được cung cấp dịch vụ TDTK mà còn tham gia các tổ hợp tác, HTX và được hỗ trợ các dịch vụ phi tài chính như: đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức về giáo dục tài chính, kỹ năng và phương pháp lập kế hoạch kinh doanh, chuỗi giá trị... Từ đó, thay đổi tư duy sản xuất, quản lý; nâng cao tính kế hoạch và khả năng tiếp cận thị trường; ngày càng tự tin, chủ động hơn để phát huy vai trò, vị thế của mình trong cộng đồng xã hội.
Tháng 9/2015, Quỹ Phát triển phụ nữ Hà Tĩnh được chuyển đổi thành Quỹ Xã hội để tiến đến trở thành tổ chức tài chính vi mô vào năm 2018. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Dương Thị Hằng cho biết: “Xây dựng lộ trình phát triển bền vững cho quỹ chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Mô hình tài chính vi mô có đăng ký hoạt động trong phạm vi toàn tỉnh và được quản lý, giám sát một cách thường xuyên, hiệu quả. Từ đó, tạo điểm tựa vững chắc về tín dụng để hội viên, phụ nữ tỉnh nhà tích cực phát triển kinh tế gia đình, khẳng định vị thế và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của mỗi địa phương”.
Theo Vũ Dũng/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã