Tại buổi thảo luận dự Luật Hợp tác xã (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, tại nhiều địa phương, doanh nghiệp ghi tên hợp tác xã để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Ông Đặng Huy Đông cho biết, nhiều ông chủ trong doanh nghiệp- hợp tác xã bỏ tiền ra làm ăn rồi sau đó chia lãi cho nhau, còn người lao động thì chỉ góp vốn để hưởng vào lương. Như vậy, tôn chỉ mục đích hợp tác xã là nơi tập hợp người yếu thế để tương trợ phát triển sản xuất không được thực hiện đúng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, dự Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ phân định rạch ròi nếu có đầy đủ điều kiện là doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp sẽ điều chỉnh, còn nếu có yếu tố hợp tác xã thì Luật Hợp tác xã điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Đào Xuân Cần, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, trên thực tế, có trường hợp doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động như hợp tác xã và ngược lại, trong một hợp tác xã cũng có lĩnh vực hoạt động như doanh nghiệp. Do đó, nếu dự án luật này có hiệu lực thì có đến 30% hợp tác xã phải giải thể hoặc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mô hình hợp tác xã mà dự luật xây dựng là mô hình kiểu mới, nên khi thực hiện luật, chúng ta sẵn sàng chấp nhận số 30% hợp tác xã giải thể để có được một luật hoàn chỉnh điều chỉnh một trong hai thành phần kinh tế cơ bản đi lên chủ nghĩa xã hội (là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bên liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn bản chất của hợp tác xã trong dự án luật.
Ngoài ra, đa số các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với quy định hợp tác xã có quyền lập công ty. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, việc hợp tác xã lập công ty phải đảm bảo là công ty cổ phần, các thành viên cổ phần chính là các thành viên của hợp tác xã và không ai được nắm cổ phần chi phối trong công ty đó.
Dự án luật này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình ra Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4.
Không thu phí điều tiết điện lực
Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Điện lực, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề xuất thu phí điều tiết điện lực của cơ quan soạn thảo.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương- cơ quan soạn thảo dự luật - phí điều tiết điện lực sau này sẽ phục vụ cho hoạt động của đơn vị điều tiết điện lực (phát triển từ Cục Điều tiết điện lực hiện nay), lúc đó sẽ không do Bộ Công Thương quản lý nữa. Trong khi đó, điều tiết thị trường điện lực là công việc phức tạp, cần lao động có chuyên môn rất cao nên phải thu hút được nhân lực chất lượng tốt.
Phí này sẽ được thu từ các đơn vị tham gia vào thị trường điện lực và ông Hoàng Quốc Vượng cho biết mức thu có thể “sẽ không cao”.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội không đồng tình với phí này và cho rằng ngân sách Nhà nước nên đảm bảo mức phí này. “Trong điều kiện nước ta chưa có thị trường điện cạnh tranh đầy đủ thì không nên đặt ra vấn đề đó”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Ngoài ra nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng Nhà nước chỉ nên quy định khung giá phát điện, truyền tải điện và các loại này đã có trong Luật, không nên quy định về giá phân phối điện.
Thành Chung
Nguồn: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã