Mô hình nuôi cá sấu thương phẩm ở huyện Phước Long ra đời vào cuối năm 2002, gồm 13 hộ nông dân tham gia nuôi. Đến nay, số lượng đàn cá sấu của toàn huyện đã lên đến 170.000 con/1.350 hộ thả nuôi. Từ khi tham gia mô hình này, nhiều hộ đã thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vươn lên khá giàu. Bởi sau một vụ (từ 15 - 18 tháng cá đạt trọng lượng 15 kg/con) người nuôi lãi hàng trăm triệu đồng. Không chỉ cho lợi nhuận kinh tế cao, mà đầu ra của cá sấu cũng tương đối ổn định. Các doanh nghiệp cung cấp cá sấu giống sẽ thu mua lại cá sấu thương phẩm của người nuôi.
Năm 2004, khi phong trào nuôi cá sấu bắt đầu phát triển mạnh, ông Trương Văn Muôn ở ấp Phước Trường, xã Phước Long đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi thử nghiệm 100 con cá sấu thương phẩm trên diện tích 80m2. Giá cá sấu thời điểm đó rất cao 160.000 đồng/kg, mang về cho ông lợi nhuận trên 120 triệu đồng. Không bỏ lỡ cơ hội, bằng kinh nghiệm nuôi thành công cá sấu thương phẩm, năm 2006, ông nâng số lượng cá sấu lên 500 con trên diện tích 600 m2. Sau nhiều thành công nối tiếp, đến năm 2014, ông đã dành diện tích 02 ha đất nuôi thủy mở rộng việc nuôi cá sấu, nâng tổng đàn cá sấu là 5.000 con. Ngoài nuôi cá sấu thương phẩm, ông còn kinh doanh cá sấu giống, mỗi năm mang về lợi nhuận trến 02 tỷ đồng.
Mô hình nuôi cá sấu thương phẩm hộ ông Trương Văn Muôn
Ông Trương Công Đạt, hộ nuôi cá sấu thương phẩm ở ấp Long Hải, TT Phước Long phấn khởi nói: “Cá sấu là một loại động vật dễ nuôi, ít nhiễm bệnh, thức ăn chủ yếu là cá tạp. Hiện nay, giá cá sấu dao động từ 200.000 - 220.000/kg. Tính bình quân 100 con cá sấu sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 150 triệu đồng. Đầu ra của cá sấu khá ổn định”.
Về kỹ thuật nuôi cá sấu thương phẩm, nhiều hộ nuôi cho biết, hai yếu tố quyết định thành công trong việc nuôi cá sấu là chất lượng con giống và thức ăn. Con giống phải đạt chất lượng, thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, an toàn. Về mật độ nuôi, có thể thả cá sấu từ 1 - 3 con/m2, diện tích của chuồng khoảng 20 - 40 m2 (tùy thuộc vào mật độ cá). Bên cạnh đó, cần quan tâm làm vệ sinh chuồng trại.
Mô hình nuôi cá sấu thương phẩm mở ra hướng đi mới cho bà con ở huyện Phước Long, giúp họ cải thiện cuộc sống và góp phần xây dựng nông thôn mới ở huyện Phước Long. Để phát huy tính hiệu quả của mô hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật nuôi cho nông dân, cũng như hướng dẫn cách phòng bệnh cho cá sấu, để giúp cho nông dân hạn chế rủi ro khi thực hiện mô hình này.
Theo: vietlinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã