Về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc triển khai và xây dựng mô hình cánh đồng một giống, ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên, cho biết, việc xây dựng mô hình thâm canh lúa cùng một giống, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.
Với việc SX tập trung một giống duy nhất, làm đất, gieo trồng cùng một thời điểm thì tất cả các yếu tố về thủy lợi, chăm sóc, bảo vệ thực vật… cho đến khi thu hoạch cũng đồng loạt được thực hiện. Quy trình đó sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí đầu vào như giống, phân bón, thủy lợi nhưng lại đảm bảo tăng về năng suất, thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thăm cánh đồng một giống ở Thái Nguyên
Vụ xuân này, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng một giống với quy mô 120 ha thuộc 3 huyện Võ Nhai, Đại Từ và Phú Lương. Thăm cánh đồng một giống lúa Syn6 rộng 14 ha tại xóm Làng Phan (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương), nhiều người trầm trồ bởi sự mênh mông, đều đặn tít tắp cùng một màu xanh non của những thửa ruộng liền kề, nối dài.
Ông Nguyễn Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ, cho biết, sau khi được tập huấn kỹ thuật áp dụng phương pháp canh tác SRI, các hộ dân tham gia mô hình đã đồng loạt ngâm mạ 1 ngày, gieo sạ trong 2 ngày.
Ông Lê Văn Trọng, Phó Trưởng phòng NN - PTNT huyện Phú Lương, cho biết, ưu điểm nhìn thấy rõ ràng của việc triển khai phương pháp canh tác trên là hạn chế được chi phí đầu vào về giống, phân bón. Đặc biệt, với đặc trưng không đồng nhất về địa hình của đồng ruộng trung du, miền núi thì vấn đề tưới tiêu sẽ rất khó khăn khi mùa vụ triển khai rải rác. Cánh đồng một giống thực hiện các khâu trong cùng một thời điểm đã phát huy cao năng lực điều tiết nước, năng lực tưới của các công trình thủy lợi.
Là hộ gia đình có 1,3 mẫu lúa Syn6 nằm trong mô hình, ông Nguyễn Bá Kiểm (xóm Làng Phan, xã Phấn Mễ) phấn khởi cho biết, hàng chục hộ cùng tham gia mô hình nhưng cả khi gieo cấy, khi phun thuốc cũng như lúc lấy nước, chúng tôi chỉ cần vài người là làm hết luôn cả 14 ha trong 1 đến 2 ngày. Bà con đang háo hức đến khi thu hoạch sẽ đưa máy về gặt liền tù tì trong một ngày là xong hết.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên, cho biết, ngoài mục tiêu chính là nâng cao thu nhập cho người dân, mô hình cánh đồng một giống lại giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động việc chỉ đạo, thực hiện cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống.Cánh đồng một giống có thể đưa đến việc san gạt bờ vùng, bờ thửa, áp dụng mạnh cơ giới hóa vào SX và là tiền đề để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên sẽ đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả, qua đó tiến tới việc nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, áp dụng cho nhiều loại cây trồng khác nhau. |
Xác định mô hình cánh đồng một giống có tính đột phá trong SXNN nên mặc dù là huyện vùng cao song huyện Võ Nhai đã mạnh dạn triển khai với quy mô trên 30 ha trong vụ xuân. Bà Hoàng Như Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cho biết, đây là mô hình SX hoàn toàn mới, mang nhiều ý nghĩa trong việc thay đổi tập quán canh tác của đồng bào địa phương. Từ đó, xã Phú Thượng đã chọn xóm Cao Lầm để triển khai mô hình với quy mô 28,6 ha lúa thuần TBR 45.
Là hộ có 1,3 mẫu lúa nằm trong mô hình, ông Lục Xuân Ánh (xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng) đánh giá, khi gieo cấy theo phương pháp canh tác SRI, đồng bào còn lo ngại, sợ tiết kiệm giống quá thì làm sao lúa lên cây. Nay chỉ cần nhìn cánh đồng “chung” của chúng tôi, lúa mượt mà, đều chằn chặn so với sự khấp khểnh của những thửa ruộng chung quanh mô hình thì bà con yên tâm lắm rồi.
Ông Đào Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết, cánh đồng một giống được chỉ đạo thực hiện là tiền đề để hình thành các loại hình tổ chức trong quá trình SX từ khâu làm mạ, làm đất đến chăm sóc và thu hoạch. Mô hình cũng sẽ mở ra hướng SX lúa hàng hóa tập trung, làm tăng giá trị và thu nhập cho đồng bào vùng cao.
Với mục đích như vậy, huyện Võ Nhai đã xây dựng cơ chế để hỗ trợ bà con, đồng thời cũng đề xuất với một số ban, ngành, cơ quan của tỉnh cùng giúp đỡ huyện mở rộng và thực hiện mô hình một cách bền vững, hiệu quả.
theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã