Không ít người dân đã chán ruộng, bỏ ruộng mặc dù chưa có công việc phù hợp hơn để thay thế. Đây cũng là căn nguyên của cái nghèo đeo đẳng. Trước thực tế trên, năm 2010, UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng nghị quyết lấy dồn điền đổi thửa (DĐĐT) làm bước bứt phá đầu tiên tiến tới nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác. Huyện chỉ đạo hai xã thuộc diện khó khăn là Tân Hưng (vùng đất trũng) và Minh Trí (vùng đồi gò) làm điểm DĐĐT để rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn huyện.
Nông dân xã Quang Tiến (Sóc Sơn) chăm sóc lúa mùa. Ảnh: Trung Kiên |
Cách đây chỉ 3-4 năm, thu nhập bình quân ở xã Tân Hưng chỉ đạt 5-6 triệu đồng/người/năm, nhưng giờ đã đạt 16 triệu đồng/người/năm, xã đứng đầu huyện Sóc Sơn về phát triển chăn nuôi với 150 hộ chăn nuôi quy mô 500-1.000 gà đẻ trở lên; ngoài ra có 30 xưởng mộc, 15 xưởng cơ khí, 700 lao động làm thợ xây và 1.000 người làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp trong vùng… Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thu, sự đổi thay đó là nhờ thành công trong DĐĐT. Có cánh đồng lớn, thời gian sản xuất mỗi vụ từ 15-20 ngày trước đây giảm xuống còn khoảng 1 tuần, bà con có thời gian, làm nghề phụ, phát triển chăn nuôi… DĐĐT không những giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động mà còn đem lại năng suất cao với bình quân 67 tạ lúa/ha.
Từ thành công ở hai xã điểm Tân Hưng, Minh Trí, đã tạo cú "hích" mạnh để chương trình DĐĐT được nhân rộng ra toàn huyện. Năm 2011, huyện đã triển khai tại 41 thôn của 20 xã, đồng thời quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Nhờ vậy, sau DĐĐT, Sóc Sơn đã có thêm gần 400ha đất dôi ra từ việc xóa bờ vùng, bờ thửa để mở rộng đường giao thông, thủy lợi, nghĩa trang và nhà văn hóa… phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiều giống lúa hàng hóa được sản xuất với diện tích hàng trăm héc ta, đưa máy cày, máy gặt xuống đồng ruộng. Năm 2012, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã hoàn thiện DĐĐT bước 2, phấn đấu hoàn thành 100% diện tích trong năm 2012.
Song song với DĐĐT, chương trình xây dựng NTM cũng được huyện Sóc Sơn đặc biệt quan tâm. Đến nay, ngoài xã điểm Mai Đình, 10 xã khác làm điểm giai đoạn 1 đã được UBND huyện ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM; 14 xã giai đoạn 2 đang hoàn thiện quy hoạch trình hội đồng thẩm định của huyện thông qua. Một số xã đã hình thành diện mạo NTM như xã điểm Mai Đình, sau hơn hai năm thực hiện chương trình đã có 13/19 tiêu chí đạt từ 95-100%, 4 tiêu chí cơ bản đạt và 2 tiêu chí đạt thấp. Một số tiêu chí khó như: Thu nhập bình quân đầu người (24 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo (2,8%), hình thức sản xuất và môi trường ở địa phương đều đã hoàn thành.
Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sóc Sơn được đặc biệt quan tâm. Trung bình mỗi năm, huyện đầu tư khoảng 300 tỷ đồng cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó chủ yếu tập trung cho giáo dục. Hiện trên địa bàn huyện không còn phòng học cấp 4. Cả 25/25 xã, thị trấn xây dựng được trường mầm non trung tâm thay thế các trường học tản mạn ở các thôn như trước đây; nhiều xã xây được hai trường mầm non như Mai Đình, Thanh Xuân, Phú Cường, Tiên Dược. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện giảm được 800 hộ nghèo, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2011; giải quyết việc làm cho trên 4.520 lao động, đạt 105% so với cùng kỳ 2011. Những kết quả đó góp phần không nhỏ trong chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng NTM của huyện thời gian qua.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã