Học tập đạo đức HCM

Dồn điền, đổi thửa ở Hà Nam

Thứ tư - 05/09/2012 20:29
Tỉnh Hà Nam đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa (DÐÐT) là mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Ðây chính là một trong những cơ sở để xây dựng nông thôn mới bền vững và toàn diện.
 

 
Nông dân xã Tân Sơn thu hoạch lúa.  
 
Thu lãi ròng từ ô thửa lớn

Xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân và xã Vũ Bản, huyện Bình Lục là hai xã được UBND tỉnh Hà Nam chọn làm điểm trong việc DÐÐT. Vụ đông xuân vừa qua là vụ đầu tiên người dân hai xã này bắt tay vào sản xuất trên những thửa ruộng lớn của mình. Kết quả, lợi nhuận mà người nông dân thu được đã tăng lên, nhờ năng suất tăng và chi phí đầu vào đã giảm đáng kể.

Trên cánh đồng Xu Nội, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, bà con thôn Ðông Thành đang khẩn trương thu hoạch nốt những khoảnh lúa trĩu hạt. Nắng nóng làm mồ hôi nhỏ thành từng giọt trên gương mặt đỏ bừng và ướt đẫm cả lưng áo của các bác nông dân, nhưng niềm vui được mùa giúp họ quên đi mệt nhọc. Ông Nguyễn Văn Sự, 62 tuổi thôn Ðông Thành đã không giấu nổi niềm vui: Cả đời tôi gắn bó với đồng ruộng, song đây là vụ đầu tiên tôi thấy giảm được đáng kể công sức và chi phí đầu vào. Trước đây, gia đình tôi có gần một mẫu ruộng mà có đến gần chục ô, thửa, đến mùa vụ thì cứ mạnh ai, người ấy làm, có vụ phải cấy đến bốn, năm loại giống lúa, lách cách lắm. Thậm chí có vụ cấy, mùa gặt cũng phải kéo dài đến nửa tháng mới xong. Vì kéo dài thời gian, cho nên nhiều vụ cấy đã bị muộn so với khung thời vụ, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, còn vụ gặt thì biết chắc là gặt chậm sẽ bị ngập úng mà cũng không đưa máy móc vào được vì ruộng quá nhỏ. Thế là "ba tháng trồng cây, đến ngày hái quả" thì lại mất trắng. Giờ đây, nhà tôi chỉ có một thửa (tám sào) việc đưa cơ giới hóa vào cũng như áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và lựa chọn giống lúa có năng suất, chất lượng vào sản xuất đã thuận lợi hơn nhiều. Trưởng thôn Ðông Thành Khồng Quang Bích cho biết: Vụ đông xuân năm 2012, năng suất lúa của xã Vũ Bản đạt 69 tạ/ha, cao hơn bình quân của tỉnh tới sáu tạ/ha. Với giá lúa hiện tại (thấp hơn so cùng kỳ năm 2011), hơn năm nghìn đồng/kg, trừ tất cả các khoản chi phí (cả công lao động) người dân trồng lúa có lãi hơn 200 nghìn đồng/sào. Như vậy, so với trước đây, khoản chi phí đầu vào cho một vụ lúa của nông dân đã giảm hơn 10%. Cũng trong câu chuyện về DÐÐT, anh Bích rất phấn khởi, tự hào giới thiệu về khu vực 17 mẫu đất trũng của thôn thuộc xứ đồng Xu Ngoại. Xứ đồng này trước đây vốn là vùng rốn nước của xã, quanh năm ngập nước, chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh. Ðể bảo đảm được sự công bằng, thôn đành chia đều cho mỗi nhà một thửa. Nhưng ngay sau khi có chủ trương DÐÐT đã có 12 hộ tự nguyện nhận dồn ruộng của gia đình và thầu thêm của nhiều hộ khác để đầu tư sản xuất theo mô hình đa canh tại xứ đồng này. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, thôn đề nghị với xã xây dựng xứ đồng Xu Ngoại thành khu sản xuất chăn nuôi tập trung theo hướng đa canh. Trong câu chuyện về xứ đồng Xu Ngoại, tôi được biết có nhiều gia đình như anh Nguyễn Văn Thiện, anh Khổng Văn Vụ, bác Nguyễn Văn Thành... đang có những ô thửa rộng từ 1,5 đến 3,5 mẫu đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ruộng theo hướng sản xuất đa canh. Anh Bích tính nhanh: Ðầu tư một sào ao để thả cá trên xứ đồng Xu Ngoại, mỗi năm cho thu hoạch gấp mười lần trồng lúa. Ðơn cử như một mẫu lúa, mỗi năm trừ chi phí cho thu lãi khoảng năm triệu đồng, nhưng một ao thả cá, mỗi năm thu lãi 50 triệu đồng (chưa kể các khoản thu khác như cây ăn quả trồng trên bờ ao, kết hợp nuôi thả gà, vịt...). Ðó là những con số thuyết phục các hộ dân xóa bỏ được tư duy sản xuất manh mún.

Theo họ, được làm chủ và canh tác trên những thửa ruộng lớn có nhiều thuận lợi hơn trước rất nhiều. Rõ nhất là giảm được nhân công và chi phí đầu tư đến 30% so với trước. Ðiều đó cho thấy việc DÐÐT của tỉnh Hà Nam đã đi đúng hướng và nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân.

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Mỗi năm, nông dân Hà Nam gieo trồng hơn 34 nghìn ha lúa với năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha/vụ. Từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, tỉnh Hà Nam chọn tổ chức lại đồng ruộng, lấy việc dồn điền, đổi thửa là nhiệm vụ trọng tâm làm trước, tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới và phải đạt ba yêu cầu. Trước hết, cần quy hoạch mở rộng đường giao thông và thủy lợi nội đồng, vùng sản xuất và giảm đến mức thấp nhất thửa ruộng. Kết hợp vận động nhân dân hiến đất sản xuất ổn định dành cho quy hoạch mở rộng được giao thông thủy lợi và diện tích đất cho công trình phúc lợi của thôn theo tiêu chí nông thôn mới.

Nhận thức khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp khó khăn, năm 2011, tỉnh Hà Nam chỉ đạo làm điểm tại hai xã Vũ Bản, huyện Bình Lục và Nhân Khang, huyện Lý Nhân để rút kinh nghiệm trước khi nhân diện rộng. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai DÐÐT trên địa bàn, trong đó phấn đấu năm 2012 hoàn thành 28 xã, các xã còn lại cơ bản hoàn thành trong năm 2013. Trong quá trình thực hiện thí điểm và bước đầu triển khai trên diện rộng, cho thấy, các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân đã nỗ lực, tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện DÐÐT.

DÐÐT với mục tiêu mỗi hộ chỉ còn một thửa, nơi nào thật sự khó khăn mới còn hai thửa, quy hoạch gọn vùng đất công ích để quản lý và tổ chức lại hệ thống đồng ruộng gắn với xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiết kiệm chi phí lao động trong đầu tư sản xuất, chủ động thâm canh, đầu tư cải tạo, tăng hiệu quả lao động, tạo ra vùng sản xuất cây hàng hóa có giá trị kinh tế... cho nên việc DÐÐT là một yêu cầu tất yếu trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Kiều Hữu Bình khẳng định: Người nông dân canh tác trên cánh đồng mẫu lớn lợi nhuận hơn nhiều so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ðể thực hiện cánh đồng mẫu lớn nông dân phải thay đổi thói quen và phải tuân thủ một số quy trình xuống giống đồng loạt, gieo trồng cùng một loại giống, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đồng thời trong quá trình chăm sóc cùng làm theo một quy trình kỹ thuật... thì mới đem lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc quy hoạch lại đồng ruộng ở Hà Nam chưa được thể hiện chi tiết và phù hợp quy hoạch nông thôn mới, gây khó khăn, lúng túng trong việc chuyển quy hoạch ra ngoài đồng. Hồ sơ quản lý đất đai và thực địa, nhiều địa phương không khớp nhau, dẫn đến điều tra hiện trạng sử dụng đất khó khăn. Hạ tầng, giao thông thủy lợi chưa đồng đều cho nên điều kiện canh tác giữa các vị trí ruộng còn chênh lệch, chưa thật sự công bằng giữa các vị trí gây khó khăn cho việc dồn đổi. Diện tích đất lấy ra làm các công trình giao thông thủy lợi nội đồng và công trình phúc lợi công cộng của xã cũng ảnh hưởng đến tổng diện tích ruộng theo tiêu chuẩn của các hộ dân. Ý thức chưa cao cũng như lợi ích nhỏ, cá nhân của một bộ phận nhỏ người dân và cán bộ địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Ðể giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong quá trình thực hiện dồn đổi ruộng đất, tỉnh Hà Nam đã đưa ra một số giải pháp như: Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; phổ biến, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác DÐÐT để mọi người cùng được thông suốt nhận thức, chính sách, phương pháp thực hiện, tạo sự đồng thuận. Tập trung rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch lại đồng ruộng. Chuyển vị trí quy hoạch ra thực địa để dễ dàng xác định được khu vực dồn đổi, có hướng tuyến để làm nền đường, kênh mương. Phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp, ngành, đặc biệt là nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, thôn, xóm trong quá trình tổ chức thực hiện. Nêu cao vai trò dân chủ, giám sát của nhân dân để sớm phát hiện, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực hiện dồn đổi ruộng đất tại địa phương.

Đào Phương
Nguồn: nhandan.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập344
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại836,446
  • Tổng lượt truy cập90,899,839
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây