Trồng mới 13.228ha rừng Theo Ban quản lý dự án trồng rừng WB3 tỉnh Bình Định, qua 8 năm triển khai (2005 - 2012), toàn tỉnh đã có 7.522 hộ ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước,Hoài Ân, thị xã An Nhơn, TP.Quy Nhơn tham gia trồng 13.228ha rừng. Riêng năm 2012, kế hoạch trồng rừng WB3 là 2.000ha, đến nay, các địa phương đã trồng được 1.417ha, đạt trên 70% kế hoạch. Các loại cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo lai và bạch đàn cấy mô. Tại nhiều địa phương, người dân đã bắt đầu khai thác rừng trồng. Điều đáng ghi nhận qua quá trình triển khai thực hiện dự án trồng rừng WB3 là các hộ được Ban quản lý dự án hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện giải ngân vốn vay, giúp bà con yên tâm trồng và chăm sóc rừng. Đến nay, ngân hàng đã giải ngân với tổng số tiền 110,687 tỉ đồng cho 7.522 hộ vay. Trong đó, 9 tháng đầu năm nay giải ngân 11,133 tỉ đồng; 1ha rừng trồng được vay 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình và tổ chức tham gia dự án được địa phương quan tâm. Đến nay, ngành chức năng đã cấp GCNQSDĐ cho 6.029 hộ với diện tích 10.127ha, tạo sự phấn khởi và an tâm trong việc đầu tư thâm canh rừng trồng. Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án cho biết: "Mục đích của dự án là giúp các hộ dân hưởng lợi từ việc vay vốn để trồng rừng sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống; giúp người dân nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi". Kéo dài dự án đến năm 2015 Theo kế hoạch, Dự án trồng rừng WB3 giai đoạn 2 đã được WB đồng ý cho thực hiện tại Bình Định đến năm 2015, mục tiêu trồng mới thêm 9.524ha tại 7 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng đề ra, Ban quản lý dự án trồng rừng WB3 Bình Định đã đưa ra giải pháp tăng cường công tác truyền thông cho người dân tại các địa phương tham gia dự án. Đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp GCNQSDĐ, thiết kế trồng rừng, nâng cấp các vườn ươm, gieo tạo cây - con giống, xây dựng mô hình khuyến lâm… Bên cạnh đó, trên cơ sở diện tích trồng rừng đã điều tra quy hoạch, từng địa phương tiến hành lập phương án giao đất, phối hợp với ban thực hiện dự án tiến hành họp dân để xác định chính thức hộ tham gia trồng rừng và diện tích kế hoạch trồng rừng, ký kết hợp đồng cung ứng cây giống đảm bảo kế hoạch. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện thuận lợi tổ chức giải ngân vốn vay ưu đãi cho các hộ gia đình kịp thời, góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư trồng, chăm sóc rừng có hiệu quả. Ngành lâm nghiệp tỉnh cũng đề nghị WB nâng định mức cho vay ưu đãi từ 15 triệu đồng/ha lên 20 triệu đồng/ha, nhằm giúp người dân có điều kiện triển khai công tác trồng rừng.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã