Học tập đạo đức HCM

HLV Hà Tĩnh: Đổi mới và phát triển

Thứ hai - 27/08/2012 05:01
Những năm qua, Hội Làm vườn (HLV) Hà Tĩnh đã thể hiện tốt vai trò là chỗ dựa vững chắc cho hội viên trong phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại. Nhờ sự giúp đỡ, tư vấn về kỹ thuật của Hội, nhiều hội viên, nông dân đã xây dựng được những mô hình kinh tế mới, từng bước thoát nghèo, làm giàu.
 
Chủ tịch HLV phường Thạch Linh kiểm tra mô hình trồng hoa, cây cảnh.

Hiệu quả từ mô hình làm phân hữu cơ vi sinh

Chúng tôi có dịp cùng cán bộ HLV Hà Tĩnh tham quan nhiều mô hình sản xuất của hội viên và nông dân nơi đây. Tại những mô hình này, điểm chung dễ nhận thấy là sự giúp đỡ về kỹ thuật của Hội đã giúp họ tự tin với lựa chọn của mình và phần lớn đều phát triển bền vững, có thể nhân ra diện rộng. Đơn cử như mô hình làm phân hữu cơ vi sinh từ rác thải ở HLV phường Thạch Linh (TP.Hà Tĩnh).

Năm 2007, sau khi tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế thải nông nghiệp do cán bộ Hội phổ biến, một số hội viên HLV phường Thạch Linh đã mạnh dạn sản xuất thử. Cách làm rất đơn giản, trộn ủ 3m3 rác thải hữu cơ với 500 lít nước và chế phẩm sinh học do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD - Trung ương HLV Việt Nam) cung cấp, sau 2 tháng ủ sẽ có 1 - 2 tấn phân hữu cơ vi sinh với chất lượng tương đương các loại phân vi sinh được bán trên thị trường.

Từ kết quả bước đầu, tháng 7/2008, UBND phường Thạch Linh quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình và vận động hội viên HLV cùng nhân dân tích cực tham gia làm phân hữu cơ vi sinh nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để dự án thành công, UBND phường phối hợp với HLV tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất phân vi sinh cho 200 hội viên, nông dân; đồng thời hỗ trợ các hộ tham gia mô hình 50% giá mua chế phẩm. Theo đó, đã có 27 hội viên tham gia thực hiện, thu được trên 24 tấn phân hữu cơ vi sinh. Từ hiệu quả của mô hình, năm 2009 có thêm 40 hộ sản xuất phân hữu cơ vi sinh và đến nay, con số này là 150 hộ.

Theo đánh giá của HLV phường Thạch Linh, loại phân hữu cơ vi sinh này có chất lượng khá tốt, giúp cây trồng tăng sức đề kháng, nâng cao năng suất trong khi lại không làm thoái hóa đất. Điều đáng nói là chi phí sản xuất 100kg phân hữu cơ vi sinh chỉ khoảng 25.000 đồng, kể cả công thu gom nguyên liệu, tương đương 10% so với giá 100kg phân vi sinh của các nhà máy sản xuất bán trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Chủ tịch HLV phường Thạch Linh cho biết: "Sau 5 năm triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải chúng tôi đã thu được nhiều kết quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn. Dùng phân hữu cơ vi sinh, chi phí sản xuất giảm đáng kể, lại có tác dụng tốt đối với cây trồng, nhất là rau màu. Bà con có thể tận dụng triệt để các phế phẩm nông nghiệp để tái sử dụng cho trồng trọt, giảm đáng kể lượng phân bón hóa học, giải quyết được phần nào vấn nạn ô nhiễm môi trường. Song song với việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh, chúng tôi cũng xây dựng mô hình trồng hoa, cây cảnh, rau màu có sử dụng loại phân này, hiệu quả kinh tế rất khả quan".

Ông Tuyển cho biết thêm, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, các sản phẩm nông nghiệp của phường luôn đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng nên giá bán cao hơn 1,5-2 lần so với các sản phẩm canh tác thông thường, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Thạch Linh là địa phương có trên 70% số hộ làm nông nghiệp. Hàng năm chỉ có 40% lượng phế thải nông nghiệp được tái sử dụng để chăn nuôi, đun nấu; số còn lại thải ra môi trường vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm. Vì vậy, mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác, phế phẩm nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo môi trường ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng ven thành phố. Đây là cách làm hay, cần được nhân rộng ra các địa phương.

Mô hình VAC ở xã điểm NTM Cẩm Thành

Tiếp tục cuộc hành trình tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả của HLV Hà Tĩnh, chúng tôi đến xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên). Thời gian qua, chính quyền và HLV xã đã chú trọng công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để xây dựng các mô hình kinh tế mới, giúp bà con tăng thu nhập từ nghề vườn.

Được biết, nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, HLV xã Cẩm Thành tập trung chỉ đạo, xây dựng mô hình vườn mẫu, củng cố phát triển khu chăn nuôi tập trung đã có và đưa khu chăn nuôi mới vào hoạt động với 3.600 con lợn thương phẩm (10 hộ nuôi). Ngoài ra, Hội cũng cải tạo được 300 vườn tạp, trồng mới 15ha cây ăn quả; phát triển kinh tế trang trại với quy mô 10ha, nuôi cá dọc theo hệ thống kênh mương, đồng thời phát triển mô hình kết hợp ruộng - ao - chuồng.

Nhờ kinh tế VAC, kinh tế trang trại phát triển nên hiện nay, số lượng gia cầm, thủy cầm trên toàn xã đạt 55.000 con. Đã có nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu bằng kinh tế vườn như gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, với hai loại cây chủ lực là mướp đắng và bí xanh. Ngoài ra, chị còn mở rộng chăn nuôi lợn, cá, trâu, mỗi năm mô hình VAC mang lại cho gia đình chị Tuyết 260 triệu đồng.

Ở Cẩm Thành còn có nhiều gia đình vươn lên khá - giàu nhờ làm vườn như ông Nguyễn Xuân Tửu, ông Lê Văn Luận…, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, địa phương còn hỗ trợ hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xây dựng thương hiệu gạo Cẩm Xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với chính quyền và các ngành chức năng, HLV xã Cẩm Thành đang đóng góp công sức vào công cuộc XDNTM của quê hương bằng những khu vườn sum suê cây trái, những trang trại chăn nuôi quy mô, tiến đến một nông thôn hiện đại, giàu đẹp. 

Thành tựu đáng tự hào

Ở khắp các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đều có thể thấy những mô hình sản xuất hiệu quả do HLV phối hợp cùng các ngành chức năng xây dựng và nhân rộng, góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên. Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, HLV tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn mạnh từ tỉnh đến cơ sở, hệ thống tổ chức ngày một hoàn thiện, hiện có 11/12 huyện, thị xã, thành phố có tổ chức Hội, trong đó 5/11 huyện, thị xã, thành phố có Phó chủ tịch UBND huyện kiêm Chủ tịch HLV, 3/11 huyện có cán bộ chuyên trách. Chính vì vậy, hoạt động của Hội rất hiệu quả, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống Hội cơ sở cũng phát triển với 232 phường, xã có tổ chức Hội, 1.450 chi Hội ở thôn xóm với 62.000 hội viên, bao gồm nhiều thành phần: cán bộ đương chức, nghỉ hưu, cựu chiến binh, công nhân và số đông là nông dân.

 

PGS. TS Ngô Thế Dân, PCT Thường trực HLV VN và hội viên HLV Hà Tĩnh
trong buổi bế giảng lớp tập huấn trồng cây ăn quả đặc sản theo hướng VietGAP.


Để nâng cao vị thế, vai trò của mình trong các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương, Hội đã tích cực vận động hội viên tham gia các chương trình kinh tế trọng điểm, hưởng ứng việc tái định cư khu kinh tế Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê, khu thủy điện Ngàn Trươi Cẩm Trang; tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật làm kinh tế VAC và những kiến thức cơ bản về hệ sinh thái VAC cho nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Thông qua các chương trình, dự án, các cấp Hội đã lựa chọn đội ngũ cán bộ tham gia tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cũng như kiến thức phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, năng lực quản lý các chương trình, dự án, chuyên nghiệp hóa trong công tác cứu trợ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại luôn được Hội chú trọng, triển khai thực hiện thông qua các dự án cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xóa đói giảm nghèo, XDNTM. Hiện, toàn tỉnh có hàng ngàn hội viên đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phát triển vườn và trang trại. Tiêu biểu như trang trại của gia đình anh Phạm Ái ở xã Gia Phố (huyện Hương Khê), quy mô 30ha với 5 thành viên tham gia. Trang trại chủ yếu nuôi gà, vịt, bò, hươu, cá; trồng 3ha cam, hàng chục hecta rừng, doanh thu lên tới 1 tỷ đồng/năm. Hay gia đình anh Nguyễn Văn Hừng ở xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh), gia đình anh Phan Bá Phúc ở xã Sơn Lộc (Can Lộc) đều có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Phong trào hội viên ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, tạo chuyển biến lớn trong sản xuất. Tiêu biểu như gia đình ông Hoàng Văn Mai ở xã Cẩm Yên, tuy chỉ có 0,5ha vườn cam 20 năm tuổi nhưng nhờ áp dụng kiến thức kỹ thuật vào chăm sóc nên mỗi năm ông thu về gần 150 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch HLV Hà Tĩnh cho biết: " Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp hội viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào làm kinh tế VAC, thời gian qua, Hội đã phối hợp với Trung ương HLV Việt Nam, HLV các huyện, thị xã, thành phố và ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt hội viên, trong đó đáng chú ý là lớp chuyển giao kỹ thuật trồng rừng, trồng rau sạch, phát triển kinh tế VAC; thâm canh trồng một số cây ăn quả đặc sản theo hướng GAP. Tỉnh Hội rất quan tâm, chú trọng vào việc phối hợp với chuyên gia kỹ thuật để đưa tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm hay vào nghề vườn, triển khai xây dựng mô hình vườn mẫu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các xã điểm XDNTM".

Ngoài ra, HLV tỉnh Hà Tĩnh còn động viên, khuyến khích hội viên đầu tư vốn làm kinh tế trang trại, thành lập một số câu lạc bộ chủ trang trại tại các địa phương, tạo điều kiện cho hội viên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Theo thống kê, toàn tỉnh có 3.000 mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiêu biểu, có giá trị thu nhập cao, tập trung chủ yếu tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê.

Hội còn tổ chức cho hội viên đi tham quan trong và ngoài tỉnh để trao đổi, học tập kinh nghiệm làm kinh tế VAC; cung cấp tài liệu kỹ thuật, những kiến thức công nghệ mới cho hội viên; tích cực tham gia các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh như cải tạo ao hoang, chuồng trống, vườn tạp thành mô hình kinh tế VAC. Nhờ đó, thu nhập của hội viên tăng lên đáng kể. Nếu như cách đây 5 năm, số hộ có thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm trên địa bàn còn khá ít thì đến nay, số hộ làm vườn có lợi nhuận từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên ở địa phương nào cũng có và ngày càng tăng về số lượng.

Thành quả đạt được thời gian qua là nền tảng vững chắc để HLV Hà Tĩnh tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong tương lai.

Nguyễn Hiền

Nguồn:kinhtenognthon.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập389
  • Hôm nay48,409
  • Tháng hiện tại845,107
  • Tổng lượt truy cập90,908,500
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây