Trước khi tham gia tổ chức Hội, ông Cao Thạch Bích ở thôn 4 là nông dân nghèo, ít vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm là hội viên HLV, ông Bích đã nhận được sự hỗ trợ khá nhiều từ phía Hội về kiến thức cũng như kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, lựa chọn các loại phân bón phù hợp cho cây trồng. Hơn 2ha càphê, tiêu, ca cao của gia đình ông năm nào cũng cho năng suất cao và ổn định. “Được cán bộ Hội chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giới thiệu giống cây trồng - vật nuôi mới, phương thức phòng trừ dịch bệnh lại có cơ hội tham gia những buổi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm do Trung tâm khuyến nông, công ty phân bón, giống cây trồng tổ chức, hướng dẫn, tôi đã áp dụng vào thực tế sản xuất, nhờ đó vườn cây phát triển khá tốt, cho thu nhập cao”, ông Bích nói. Khi mới thành lập, HLV xã Đức Hạnh chưa nhận được sự ủng hộ của người dân, bởi họ không biết Hội giúp gì cho mình trong việc sản xuất. Nhưng khi tham gia rồi, bà con mới thấy cái lợi thực sự. Chính từ những buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã mở ra cho người nông dân con đường thoát nghèo, vươn lên làm giàu, giúp họ sản xuất theo phương thức hiện đại và hiệu quả. Dẫn chúng tôi dạo quanh khu trồng cây của hội viên tại thôn 4, ông Trần Duy Tùng, Chủ tịch HLV xã Đức Hạnh không khỏi tự hào vì trong thành quả đó có công sức đóng góp của Hội. Hiện, hầu hết vườn tiêu, cao su của hội viên đang bước vào thời kỳ thu hoạch, giúp người dân có thu nhập ổn định. Điển hình như gia đình ông Võ Quang Triều có 2ha tiêu, ông Nguyễn Thơm có 3ha tiêu và cao su, cho thu hoạch ổn định mấy năm nay, giúp đời sống kinh tế của các hộ này ngày càng khá giả. “Vườn tiêu được chăm sóc đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón phù hợp, cách xử lý, phòng trừ nấm bệnh hợp lý nên năng suất luôn ổn định, hạt tiêu chất lượng tốt nên được giá. Cảm ơn cán bộ HLV đã giúp tôi tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, và khi đã áp dụng thành công thì chuyện làm giàu không khó”, ông Triều tiết lộ. Thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng là khát vọng lâu nay của nông dân. Tuy nhiên, cái họ thiếu không chỉ là vốn mà còn là kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Đây chính là rào cản để chúng ta xây dựng nền nông nghiệp quy mô, hiện đại. “Hiểu rõ những gì nông dân cần và thiếu, chúng tôi đã chú trọng công tác tuyên truyền, kết hợp với huyện mở các lớp tập huấn, tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên trong quá trình sản xuất, để họ có dịp học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm. Chúng tôi còn xây dựng mô hình tự quản hàng hoá khu vực rẫy, kịp thời ngăn chặn các đối tượng có tư tưởng phá hoại, ăn cắp tài sản của hội viên, tạo điều kiện để bà con phát huy tính tự chủ trong quá trình sản xuất”, ông Tùng cho biết. Ngoài việc trao đổi kỹ thuật cũng như hỗ trợ, giúp đỡ về vốn để các gia đình phát triển sản xuất, HLV còn có những hoạt động xã hội ý nghĩa như xây dựng 2,6km đường giao thông nông thôn, 1km giao thông nội đồng, nâng cấp sửa chữa nhiều đoạn đường hư hỏng, làm 1 cầu bê - tông tránh lũ, cống thoát nước, xây bờ kè chống xói lở khu vực ven suối, tham gia đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn cũng như hoạt động xã hội hữu ích, HLV xã Đức Hạnh đã phát huy được vai trò của mình. Thời gian tới, Hội sẽ có nhiều chương trình thiết thực giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Hải An Theo:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã