Những mô hình tốt
Mười năm qua, các THT ở Ninh Thuận tập trung tổ chức lại sản xuất, hình thành nhiều mô hình hợp tác mới gắn kết các hộ nông dân thành những "tổ liên minh, liên kết" hoạt động theo phương thức sản xuất mới, từng bước mang lại thu nhập cao cho tổ viên. THT trồng táo xanh Văn Hải (phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm) được thành lập năm 2011, với 90 tổ viên đang canh tác trên diện tích 90 ha, gặp anh Cao Cường, Tổ trưởng THT vừa đi kiểm tra các vườn táo về, anh cho biết: "Vào THT, tổ viên được hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nên năng suất đạt 35 tấn/ha/vụ (tăng 0,5 tấn so với trước), tỷ lệ quả táo đạt loại 1 tăng từ 10% lên 20%. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh phía bắc và Tây Nguyên. Trong hai năm 2011-2012, đạt doanh thu hơn tám tỷ đồng, lợi nhuận 5 tỷ 800 triệu đồng. Một ha táo cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm".
Nhiều năm, nông dân trồng hành, tỏi ở thôn Khánh Tân (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) thường bị tư thương ép giá. Tháng 5-2012, THT sản xuất hành, tỏi Khánh Tân được thành lập, tổ viên được Công ty TNHH MTV Xây dựng và Dịch vụ Hải Việt hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu giá, đầu ra cho sản phẩm, trong vụ đông-xuân năm 2013, THT trồng 26 ha cây tỏi và cây hành, đến nay, 10 ha cây hành cho năng suất hơn 240 tấn. Với giá bán hành củ là 16 nghìn đồng/kg, đạt doanh thu gần 4 tỷ 500 triệu đồng, bình quân nông dân lãi hơn 220 triệu đồng/ha (tăng gần hai lần trước đây). Nông dân Ðặng Thông bộc bạch: "Nhờ có THT, 90 tổ viên đã thoát khỏi cảnh "ba không", đó là không bị động vốn sản xuất, không phải lo đầu ra cho sản phẩm và không còn bị tư thương ép giá".
Nhiều năm qua, bên cạnh sản phẩm gốm Bàu Trúc đã xây dựng được thương hiệu, sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) cũng đã thu hút được du khách trong và ngoài nước. Mỹ Nghiệp có 668 hộ/4.180 người (94% là người Chăm). Cuối thế kỷ trước, tưởng chừng nghề truyền thống này sẽ mai một, vì sản phẩm làm ra chưa đẹp, không thể cạnh tranh với sản phẩm của các làng nghề khác và nhiều hộ đã bỏ nghề. Cuối năm 2010, HTX DVSX KD Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp ra đời, ban đầu chỉ có 25 xã viên với 30 khung dệt, vốn lưu động là 125 triệu đồng (mỗi xã viên góp năm triệu đồng). Nhờ năng động với phương thức sản xuất mới, ngoài sản phẩm vải dệt truyền thống, HTX còn chế tác nhiều sản phẩm mới, như: túi xách, ví, ba-lô,... được dệt sắc nét trên nền vải nhiều mầu sặc sỡ có đan xen những hoa văn độc đáo của người Chăm cộng với đường may tinh xảo, cho nên sản phẩm mới nhanh chóng được thị trường đón nhận. Ðến nay, HTX có 72 xã viên, vốn lưu động tăng lên 700 triệu đồng. Trong hai năm 2011-2012, đạt doanh thu 1 tỷ 200 triệu đồng, lợi nhuận 330 triệu đồng, mỗi xã viên được 2,4-2,8 triệu đồng/tháng (bằng 56% mức đóng góp ban đầu), đời sống được cải thiện nhiều.
Ngày 2-4-2013, HTX vinh dự đón nhận Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp" do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp, đã mang lại niềm vui lớn cho xã viên, vì cơ hội vươn xa của làng nghề truyền thống được mở rộng. Chủ nhiệm Hán Minh Thiệu hồ hởi nói: "Trong ba tháng đầu năm 2013, doanh thu đạt gần 250 triệu đồng, tăng gấp hai lần trước đây. HTX đã mở văn phòng giới thiệu sản phẩm tại TP Hồ Chí Minh và đang mở thêm văn phòng tại Ðà Nẵng".
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận Ðỗ Văn Minh, các THT hoạt động có hiệu quả là do phát huy tốt tính tự nguyện, tự chủ, tự quản của phương thức sản xuất mới, phù hợp yêu cầu phát triển đa ngành nghề. Các THT linh hoạt và chủ động tìm hướng đi tối ưu nhất, mạnh dạn đầu tư vào phát triển sản xuất, thích ứng mọi biến động của thị trường bằng nội lực, không trông chờ, ỷ lại nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mà vẫn bảo đảm thu nhập cho tổ viên là rất tốt, cần được nhân rộng.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Nhiều HTX sau khi chuyển đổi đã có được nguồn vốn dồi dào, vừa bảo đảm hoạt động bền vững, vừa tạo ra nguồn kinh phí hỗ trợ cho xã viên vay vốn phát triển sản xuất. Năm 2004, HTX Nông nghiệp Gò Ðền (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) chuyển đổi hoạt động theo phương thức độc lập, tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm trước xã viên, đến nay HTX đã có nguồn tài chính ổn định để làm dịch vụ theo phương châm "xã viên cần là có". Ðầu mùa vụ hằng năm, Ban chủ chiệm chủ động ký hợp đồng với Công ty Phân bón Bình Ðiền (TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm Thực nghiệm giống cây trồng Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ sở tại huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) để mua phân, lúa giống với giá "gốc" mang về kho dự trữ. Cứ thế, mỗi vụ cung cấp hơn 50 tấn phân, lúa giống (giá rẻ hơn các đại lý) cho xã viên sản xuất 200 ha lúa và thu tiền khi thu hoạch xong mùa vụ, cho nên xã viên rất phấn khởi. Trong năm 2012, đã đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận 276 triệu đồng.
Ðến nay, từ nguồn vốn hằng năm 1,3 tỷ đồng, HTX dành 400 triệu đồng để hỗ trợ vững chắc cho xã viên phát triển sản xuất. Cùng đi với Chủ nhiệm Nguyễn Văn Sơn đến thăm hộ anh Trương Văn Ðại, ở thôn Gò Thao, anh Ðại cho biết: "Năm 2012, tôi được HTX cho vay 30 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp, chỉ sau một mùa vụ, tôi trả hết nợ, vươn lên khá giả". Tương tự, anh Lê Tấn Lộc, ở thôn Gò Ðền cũng vay của HTX 30 triệu đồng để chăn nuôi lợn. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc, anh Lộc xây dựng được trang trại lớn nhất xã, với hơn 100 con lợn. Nhiều hộ khác vay vốn của HTX để đầu tư nuôi gà, vịt theo thời vụ đều có thu nhập khá.
Từ năm 2008 đến 2012, HTX đã góp hơn một tỷ đồng, làm 4 km đường giao thông nông thôn. Trong ba tháng đầu năm 2013, từ nguồn Quỹ phúc lợi và lãi cổ phần của 631 xã viên, đã làm 433 m đường bê-tông tại thôn Gò Thao. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Tân Hải Mai Tấn Phác đánh giá: "HTX đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, đường bê-tông tại các thôn Gò Ðền, Gò Thao đạt hơn 90%, bà con đi lại, sản xuất rất thuận lợi". Với những thành tích đạt được, năm 2012, HTX DVNN Gò Ðền được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen và Cúp vàng "HTX vì cộng đồng thịnh vượng".
Về huyện Ninh Phước trong những ngày nông dân đang thu hoạch lúa đông xuân, vụ này, toàn huyện đạt năng suất bình quân 65 tạ/ha, với giá bán là 5.600 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, nông dân lãi từ 20 đến 25 triệu đồng/ha. Tại HTX Như Bình, xã Phước Thái, hơn 260 ha lúa ba vụ của xã viên luôn đạt năng suất cao. HTX phối hợp Công ty Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện mô hình "cùng nông dân ra đồng", trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm..., vì thế, các mô hình sản xuất mới luôn được xã viên hưởng ứng. Năm năm trở lại đây, HTX đóng vai trò chủ chốt trong tổ chức sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên từ 32 triệu đồng lên 50 triệu đồng/ha/năm, tích cực cùng chính quyền trong xây dựng nông thôn mới. Chủ nhiệm Quảng Ðại Luyến phấn khởi nói: "Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Phước Thái đã đạt một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 13 về KTTT".
Cần được quan tâm hơn
Có thể nói qua mười năm hoạt động, vai trò KTTT được phát huy tốt, góp phần tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) và Chương trình hành động số 15-CTr/TU của Tỉnh ủy Ninh Thuận ở một số ngành, địa phương chưa sâu sát; công tác hỗ trợ, tăng cường cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật về làm việc tại các HTX theo tinh thần Nghị quyết chưa được các cấp ủy Ðảng, chính quyền chú trọng, cho nên KTTT chưa phát triển đúng mức, chiếm tỷ trọng còn thấp trong GDP của tỉnh. Các THT còn gặp khó khăn trong giao dịch tín dụng để đầu tư phát triển...
Ðể khắc phục những hạn chế, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Ninh Thuận cần quan tâm để các HTX, THT được thụ hưởng những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển giao khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại... tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho THT phát triển. Ðồng thời, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình mới, những kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của một số HTX đi đầu gắn với việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh cần hỗ trợ Liên minh HTX nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, xứng đáng là chỗ dựa để KTTT phát triển và góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã