Học tập đạo đức HCM

Lão nông 80 tuổi& hơn 100 giống lúa

Thứ sáu - 01/05/2015 00:36
Bằng niềm đam mê, coi việc lai tạo giống là trách nhiệm phục vụ người làm lúa, 20 năm qua, ông đã tạo ra hơn 100 giống lúa mới.
Tuy tuổi đã gần bát tuần mà ông vẫn không ngừng công việc sáng tạo của mình...
Niềm đam mê
Có dịp biết ông Phạm An Lạc (Tám Lạc) trong một cuộc hội thảo của Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu tổ chức, tôi không thể quên hình ảnh một ông lão chậm từng bước ngoài đồng ruộng, tỉ mỉ vạch từng bông lúa ghi ghi chép chép vào cuốn sổ tay.
Hỏi ra mới biết ông là người sở hữu nhiều giống lúa nhất Bạc Liêu.
Đến thăm nhà ông trong một buổi trưa mùa khô gay gắt. Trong căn nhà giản dị, ông đang mê mẩn cầm kính lúp soi, gắp, chọn ra hạt lúa như nhà khoa học. Vậy nhưng chất nông dân của ông Tám Lạc vẫn không lẫn vào đâu được.
Cơ duyên đưa ông đến với việc lai tạo giống lúa bắt đầu từ năm 1995. Khi đó, ông là một trong những nông dân tiêu biểu nhất vùng, được vinh dự đi tham gia lớp học “Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học” do ĐH Cần Thơ tổ chức.
Dịp này ông được tiếp cận với việc lai tạo giống lúa, kể từ đây ông “chết mê chết mệt” về cách làm giống. Rồi ông tự bỏ thời gian, tâm huyết ra ĐH Cần Thơ tìm hiểu thêm, sau đó bắt đầu chọn lọc ra dòng phân ly cho trường.
Năm 2001, ông bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ tạo giống lúa mới đầu tiên. Đúng như câu nói “vạn sự khởi đầu nan”, rất khó khăn để ông tạo ra một giống lúa. Ông Tám Lạc cho biết, làm lúa giống thì đâu có như gieo cấy bình thường được. Hồi đó bà con đi ra vào xì xèo chuyện ông làm hoài.
“Người dân cấy lúa 1 bụi phải 5 - 7 tép mạ, ướm hàng mà thẳng tiến, một người ngày cấy cả công đất thì tui lại đi giăng dây cấy từng tép một.
Có người hỏi “chơi” tui rằng cấy cả bụi còn không có ăn, cấy vậy nhà ổng ăn cái gì, tui chỉ nhếch miệng cười trừ, rùi cúi đầu làm tiếp chứ biết sao. Cũng tại mình đang làm cái chuyện chẳng giống ai”, ông Tám Lạc thuật lại.
Ngay cả những người trong gia đình ông cũng lấy làm lạ. Vợ, con cái lên tiếng “chống đối” nhưng ông vẫn cứ lì ra, làm là làm mặc trời, mặc đất, mặc lời gièm pha. Đó là một cái khó nhỏ thôi, cái khó thật sự chính là việc lai tạo ra giống lúa, hai từ “công phu” chưa đủ để mô tả hết chặng đường cho ra một giống mới.
Theo ông, điều đầu tiên để tạo ra một "đứa con" tốt là phải có bố mẹ phù hợp. Chọn ra bố mẹ chúng thì không khó, nhưng khó ở khâu thụ phấn. Trước tiên, phải gieo sạ sao cho cả giống bố mẹ trổ bông cùng một lúc, căn ngay lúc đó để thụ phấn.
Thời điểm nhạy cảm này, ngày ngày ông ra đồng, đến trưa có khi quên về nhà ăn cơm để căn bông lúa trổ là tiến hành khử đực ngay.
Ông Tám Lạc lý giải rằng: “Bông lúa mẹ khi trổ có nhị đực để tự thụ phấn, phải loại bỏ ngay, đồng thời lấy phấn đực của cây bố thụ cho, như vậy mới tạo ra được cây lúa mới mang những phẩm chất ưu điểm của cả bố mẹ”.
Khó khăn cực khổ vậy, tới lúc lúa chín có khi chỉ chọn được khoảng vài chục hạt thế hệ F1. Từ các hạt đó phải đợi tới vụ sau mới gieo trồng tiếp, lại làm nhiều công đoạn nữa để chọn F2… nhiều vụ nữa mới được giống mới. Nhiều khi ông lai tạo, rồi chọn như thế từ đời F1 đến…. F12 vẫn chưa ra được giống mới.
Trả lời câu hỏi của tôi: “Tại sao ông lại có lòng kiên trì để làm việc lai tạo giống?”. Ông Tám Lạc khẳng định: "Đó là niềm đam mê! Có nhiều thú đam mê, người thích tranh ảnh, cây cảnh, kẻ thích chim, cá kiểng… còn tôi mê lai tạo giống".
Nghe ông nói về công phu tạo giống và nhìn vào những quyển sách ghi chép tỷ mỉ của ông, tôi đã "quẫn não" rồi. Địa phương thì chẳng ai làm cả, một mình ông một hướng lại có thể theo nó 20 năm trời. Đúng là chỉ có niềm mê say mới giúp ông có động lực đến thế.
Rồi “thú vui” của ông cuối cùng cũng cho ra thành quả. Trong công cuộc phát triển giống lúa, ông có quyền tự hào, với 116 giống lúa từ lai tạo, ông tạm đặt tên cho từ BL1 đến BL116.
Ông chia sẻ kinh nghiệm, gieo giống theo sách vở phải lấy đất sình dưới đáy ao đìa đưa vô chậu, rồi gắp từng hạt cắm chúng vào, vậy mà giống cũng chết trắng hết trơn. Làm như thế thay đổi môi trường sống của chúng đột ngột, chả khác nào mang con cá giống nuôi nước mặn thả vào ao nước ngọt, sao sống được.
Thế là ông làm theo cách của mình. Lấy đất sình dưới đáy đìa vô chậu để đó, ông lấy cái đĩa đựng những hạt đã nảy mầm, sau đó nhỏ sình từ từ vào để hạt giống “làm quen”.
Ông Phan Văn Liêm, GĐ Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu nói: “Chú Tám Lạc là mẫu người nông dân thích làm khoa học. Ở chú, tôi thấy được niềm say mê, tinh thần không ngại khó. Chú đã lai tạo ra cho Bạc Liêu hơn 100 giống lúa, trong đó có nhiều giống chất lượng, năng suất cao. Ước vọng của chú đã được đền đáp, đến nay bà con vẫn đang làm những giống lúa thơm chất lượng như BL17, BL29… Chú làm giống không màng lợi ích mà coi đó là trách nhiệm của mình".
Đều đặn mỗi ngày ông bỏ vô một ít cho tới khi hạt nhú lá mầm, dần thành mạ thì đất đìa cũng đầy. Ông bứng cả đĩa, vừa sình vừa mạ đưa qua chậu. Chúng sống khỏe ru!
Khi gieo mạ, đất vùng này cứng, ông xới đất cho tơi xốp lên là đúng quy trình. Kết quả chệch lất, lúc nhổ mạ cong xương sống mà mạ thì đứt phừn phựt, hư hết.
Theo sáng kiến riêng, ông xới từng luống đất, lót tro lên cho xốp, lấy thanh tre chặn thành từng ô nhỏ rồi gieo mạ. Tới ngày nhổ, nhờ lớp tro xốp, đất được chia ô nên không bị cứng, người nhổ mạ chỉ việc túm lấy kéo đầu nó lên, nhẹ xọp!
Cách ông bảo quản hạt giống cũng khác người, ông túm các bông lúa thành từng chùm treo lơ lửng trước hiên nhà, các giống đang nghiên cứu chọn lọc thì được cho vào cái keo, để nơi thông thoáng như biện pháp bảo vệ.
“Nhà nghiên cứu người ta có phòng thí nghiệm, bảo quản riêng, mình không có điều kiện thì làm theo cách đó để tránh chuột bọ phá phách, nhầm lẫn giống…”, ông cho biết.
Làm vì ai?
Tất cả những việc ông làm được cái gì?
Đã mấy mươi năm trong nghề mà ông chưa tìm được người nối nghiệp. Bao nhiêu khó khăn cực khổ trong công việc lai tạo giống, ông Tám Lạc đều tự làm, bàn tay chai sạn của ông đã minh chứng điều đó. Giá lúa giống bán ra có cao hơn chút, nhưng không đủ bù vào những chuyến ông đi thực tế…
Ông bảo: “Làm chẳng được lợi lộc gì cả nhưng mà có cái sướng riêng! Cái cảm giác đi ngoài đồng mà thấy bà con làm giống BL17, BL29… của mình, nó lâng lâng khó tả lắm chú ơi”.
Cuối cùng tôi cũng biết được cái đích ông hướng đến. Ông làm ra giống lúa mới không phải để được công nhận giống quốc gia, để nổi tiếng. Ông làm là vì người nông dân trồng lúa. Điều quan trọng với ông là giống của mình được nông dân công nhận, được nông dân ưa chuộng.
Theo: nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập457
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm451
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại803,080
  • Tổng lượt truy cập90,866,473
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây