Ông Lý Nguyên Bảo chuẩn bị vụ mùa mới - Ảnh VGP/Nguyễn Thắng |
Vào trong nhà, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy lão nông người Dao đã ở tuổi 60, đầu bạc hoa dâm, nhưng đôi tay lại đang uyển chuyển trên bàn phím máy tính.
“Từ ngày “tậu” cái máy tính xách tay hơn 20 triệu đồng này, lại có sóng 3G nên tôi luôn nắm bắt được tình hình trong nước và thế giới, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để truyền tải đến bà con dân bản”, ông Bảo khoe.
Lập nghiệp trên đất hoang
Một ngày mới của lão nông Lý Nguyên Bảo bao giờ cũng bắt đầu từ lúc hửng đông, khi mặt trời mới lấp lo sau dãy núi bên nhà, màn sương vẫn còn bao phủ khắp các làng bản trên rẻo cao. Ông nhanh tay cho vài trăm con gà ăn, cần mẫn chăm sóc vài chục con dê, đưa đàn trâu lên núi thả, rồi quay lại với nương gô, ruộng lúa.
Đãi khách bữa cơm tối, bưng bát cơm bốc khói nghi ngút, ông cứ nghẹn ngào: “Bây giờ trong nhà tôi lúc nào cũng có vài chục tấn thóc, ngô, hơn 30 con dê, hơn 10 con trâu… Mỗi năm, tôi còn bỏ ra hơn 3 tạ thóc để tặng cho những nhà nghèo trong xã. Ngày trước, nhà tôi khổ lắm..”
Mới 3 tuổi, cậu bé Lý Nguyên Bảo đã mồ côi cha. Giấc mơ học cái chữ của ông bị dang dở bởi gia cảnh túng thiếu, cơm không đủ no, áo chẳng đủ mặc. Lớn lên, ông gia nhập đội quân cày thuê, cuốc mướn trong xã. Ông vất vả sớm tối mà cứ nghèo đói mãi.
Ngày ông mới xây dựng gia đình, gia cảnh túng thiếu đến mức, những lúc giáp hạt, bữa cơm chỉ có vài cây rau rừng ăn qua loa cho đỡ đói. Bao đêm thức trắng, ông trằn trọc, tại sao mình ở rừng núi, đất đai nhiều, có khả năng điều kiện trồng lúa nước mà vẫn thiếu ăn.
Không cam chịu đói nghèo, ông cùng vợ bắt đầu cuộc chinh phục tự nhiên, đánh vật với đất đồi sỏi đá. Ngày nào cũng vậy, từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt, hai vợ chồng ông vác từng hòn đã đắp mương dẫn nước từ trên núi về các quả đồi bỏ hoang. Mương làm đến đâu, vợ chồng ông khai hoang làm ruộng canh tác đến đó.
Cứ như thế, ông đã bắt vùng đất đồi núi khô cằn phải đơm hoa, kết trái. “Từ ngày tôi làm con mường trồng lúa nước, năng xuất tăng cao nên trong nhà lúc nào cũng thừa thóc gạo. Bà con học theo tôi khai hoang làm ruộng. Bây giờ, thôn không còn ai đói nữa”, ông Bảo nói.
Khi bụng đã no, lương thực có sẵn, ông Bảo mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, mở hướng làm giàu. Ông tăng đàn gà, phát triển đàn trâu. Ông lặn lội xuống huyện mua dê về nuôi thả trên đồi núi.
Hiện, ông có hơn 200 con gà, 30 con dê và hơn 10 con trâu. Tiền bán dê, gà, trâu cũng giúp ông thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng năm vừa qua, gia đình ông có tổng thu nhập trên 300 triệu đồng.
Mượn dê thoát nghèo
Anh Triệu Hữu Năng thoát nghèo nhờ nuôi dê - Ảnh VGP/Nguyễn Thắng |
Đang dở tay bên ruộng lúa, chị Đặng Hải Ngân cười bảo: “Ngày trước, bà con chỉ quen làm lúa nương dễ mất mùa, không đủ gạo ăn. Kể từ ngày ông Bảo làm mương dẫn nước, người dân học theo khai khẩn đất hoang trồng lúa nước nên không còn phải lo đói ăn nữa”.
Đúng lúc giáp hạt, gia cảnh túng thiếu, lại đông con, chị Lý Thị Lương ở thôn Tẩn Lủng tìm mọi cách xoay xở lo bữa cơm hàng ngày. Thấy vậy, ông Bảo mang hơn 30 cân gạo sang tặng, giúp gia đình chị vượt qua những ngày gian khó.
Không chỉ riêng chị Lý mà hàng chục gia đình nghèo khác đã nhận được sự hỗ trợ về lương thực của ông trong những lúc hoạn nạn. Mỗi năm, ông bỏ ra hơn 3 tạ gạo để giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 10 năm qua, số gạo ông mang làm từ thiện lên đến hơn 3 tấn.
Năm 2001, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Phúc. “Thời điểm ấy, toàn bộ hội viên trong xã đều nằm trong diện nghèo. Điều đó làm băn khăn, day dứt, phải tìm cách nào đó để bà con bớt khổ”, ông Bảo tâm sự.
Ông nảy ra ý tưởng mang tính “đột phá”, giúp bà con mở lối thoát nghèo. Ông mang dê của mình cho các hộ nghèo mượn đem về nhà nuôi. Khi dê sinh sản, bà con được hưởng dê con. Cặp dê bố mẹ lại được chuyển sang hộ khác nuôi.
Cách làm táo bạo đó nhanh chóng phát huy hiệu quả, không ít gia đình chỉ sau vài năm nhận dê của ông về nuôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong xã.
Như để minh chứng điều mình nói, ông dẫn tôi đến thăm gia đình anh Triệu Hữu Năng cách nhà ông hơn một cây số đường núi quanh co. Ngó vào trong chuồng nhà anh, đàn dê béo mộng đang tranh nhau ăn.
“Năm 2010, tôi nhận 2 cặp dê bố mẹ của ông Bảo về nuôi. Đến nay, tôi đã có hơn 10 con dê. Tiền bán dê hàng năm là một trong những khoản thu nhập chính của gia đình tôi”, anh Năng hồ hởi kể.
Mùa xuân năm ngoái, anh bán 5 con dê thu về hơn 10 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền lớn trên tay, người đàn ông quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ấy vẫn không tin vào mắt mình. “Nhà tôi vừa mới thoát nghèo. Cũng nhờ ông Bảo cho mượn dê về nuôi”, anh Năng nói.
Tính đến nay, ông Bảo đã cung cấp dê giống cho hơn 20 gia đình trong xã nuôi để phát triển kinh tế. Đàn dê trong xã tăng lên hơn 200 con.
Với những thành tích xuất sắc, ông đã được Thủ tướng tặng Bằng khen. Nhiều năm liền, ông được Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Nguyễn Thắng
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã