Học tập đạo đức HCM

“Lên đời”… nhờ hoa

Thứ hai - 31/12/2012 23:20
Trong khi giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên địa bàn thành phố mới đạt 231 triệu đồng/ha canh tác thì xã Tây Tựu (Từ Liêm) đã đạt 550 triệu đồng/ha và nhiều diện tích trồng hoa ly đạt giá trị tới 1 tỷ đồng/ha.

Cây hoa bén rễ, sinh sôi trên cánh đồng Tây Tựu đã giúp không ít nông dân đổi đời, làng quê thay áo mới, đưa địa phương trở thành một trong những xã đầu tiên hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố năm 2012.

Thu hoạch hoa tại làng hoa Tây Tựu (huyện Từ Liêm). Ảnh: Trung Kiên


Không có người thất nghiệp

Cũng như nhiều làng quê khác, 20 năm về trước, người dân xã Tây Tựu vẫn chỉ biết đến cây lúa, rau màu. Nhận thấy nghề trồng hoa có thu nhập khá, phù hợp với xã ven đô, một số người đã tìm đến những nơi chuyên trồng hoa để học hỏi. Lúc đầu chỉ có vài hộ, sau đó tăng lên vài chục hộ và hiện nay 70% số hộ dân trên địa bàn xã Tây Tựu trồng hoa. Dù mới "bén duyên" với cây hoa, song người dân nơi đây đã tích lũy được vốn kiến thức khá về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Theo Chủ tịch UBND xã Tây Tựu Lê Văn Việt, cả xã chỉ có 530ha canh tác, bình quân 240m2/khẩu, thì có tới 300ha chuyên trồng hoa các loại, trong đó 70% là hoa hồng, 30% là hoa ly, đồng tiền, cúc..., với hơn 2.800 hộ trồng hoa. Sản xuất hoa cho lợi nhuận cao, người Tây Tựu đã tỏa đi khắp nơi thuê thêm đất sản xuất. Hiện cây hoa của xã đã có mặt ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Từ Liêm và các huyện lân cận như: Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ... Nhờ trồng hoa, thu nhập của người dân đã đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,4%. 

Ở Tây Tựu, nhiều người nể phục tài trồng hoa, làm giàu của ông Nguyễn Văn Tỵ. Gia đình ông Tỵ hiện đang thuê 1,5ha đất trồng hoa, trong đó 0,5ha trồng hoa đồng tiền quanh năm và 1ha trồng các loại hoa khác theo mùa vụ. Ông Tỵ cho biết, Tết năm nay, gia đình ông trồng 1ha hoa ly. Số ly sớm trồng từ tháng 8 đang bắt đầu cho thu hoạch và tiếp tục thu rải rác cho đến tháng 3 năm sau. Nhờ trồng hoa, gia đình ông đã xây được nhà to đẹp, sắm sửa được đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, mua được 2 ô tô, trong đó có 1 ô tô tải chuyên chở hoa cung cấp cho các đầu mối ở chợ hoa Quảng Bá. Không riêng gì gia đình ông Tỵ, ở Tây Tựu còn có nhiều hộ trồng từ 1-2ha hoa các loại như gia đình các ông: Nguyễn Tương Thanh, Chu Thiên Hợp…, vừa trồng đồng tiền, vừa trồng hoa ly, lợi nhuận rất cao.

"Ngoài trồng hoa, người dân còn làm các dịch vụ liên quan như: cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu và gần như nhà nào cũng có người đi bán hoa, nên ở Tây Tựu không có người thất nghiệp". Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND xã Lê Văn Việt. Không những vậy, người Tây Tựu còn tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động ở các nơi khác. Ngoài ra, cả xã còn có hàng trăm hộ thuê khoảng 170ha đất sản xuất, với giá thuê 2,5 triệu đồng một sào/năm và tạo việc làm cho chủ ruộng chăm sóc hoa, với công lao động từ 100-150 nghìn đồng một ngày. 

Dồn sức cho mùa hoa Tết

Về Tây Tựu những ngày cuối năm, người dân hối hả ra đồng chăm sóc cho những luống hoa Tết. Trên đường vào trụ sở UBND xã Tây Tựu, nhiều xe máy chất đầy hoa đưa đi tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Thu đang chăm sóc 5 sào hoa cúc ngay trước trụ sở UBND xã cho hay: Trước đây, bà cũng trồng lúa, rau màu, thấy bà con trồng hoa lãi gấp 5-6 lần trồng lúa nên đã học hỏi và trồng theo. Nhà bà hiện có 5 sào cúc. Công việc trải đều quanh năm, nhưng dịp Tết thì tất bật hơn, bởi người chơi kén hoa đẹp, giá lại cao, nên phải chăm sóc cầu kỳ. Từ khoảng tháng 10, người trồng hoa bắt đầu xuống giống hoa Tết. Thời điểm này, ngày nào các thương lái cũng đánh ô tô chở giống tập kết về đầu làng cung cấp cho người dân. "Nghề trồng hoa vất vả, thời gian lao động từ 10-14 tiếng/ngày. Hết làm cỏ lại đến xới đất, trồng, thu hoạch. Mọi người phải ra đồng từ lúc trời chưa tỏ mặt và trở về nhà khi trời đã tối. Xong việc ngoài đồng, nhiều gia đình lại tất bật với việc bó, phân loại hoa để kịp mang đến khắp các chợ trong nội thành Hà Nội, khi trời tang tảng sáng" - bà Thu chia sẻ. 

Hiện tại, Tây Tựu có khoảng 70ha hoa ly. Để đầu tư 1 sào hoa ly hết từ 60-80 triệu đồng tiền giống. Nếu chăm sóc tốt, hoa nở đúng vào dịp Tết thì lợi nhuận khá cao. Vụ hoa Tết năm ngoái, nhiều hộ bán được 40-50 nghìn đồng/cây, thu lãi 200-400 triệu đồng/sào chỉ trong thời gian 4 tháng, tính sơ sơ cũng lãi khoảng 1 tỷ đồng/ha. Mặc dù cây hoa đã bén rễ, cho thu nhập khá, song người trồng hoa vẫn vương chút lo âu. Cụ thể là con sông Pheo chạy dọc theo xã Tây Tựu vừa cung cấp nước tưới, vừa giúp tiêu nước của xã đã 50 năm rồi chưa được nạo vét, nên năm nào xã cũng bị úng lụt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất hoa. Hơn nữa, tuy là vựa hoa lớn nhưng đến nay người trồng hoa ở Tây Tựu vẫn chưa chủ động được khâu giống. Người trồng mạnh ai nấy mua, khiến chất lượng còn bấp bênh… Những khó khăn nêu trên rất cần được các cơ quan chức năng giúp sức, để niềm vui của người trồng hoa thêm trọn vẹn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập144
  • Hôm nay18,323
  • Tháng hiện tại997,948
  • Tổng lượt truy cập91,061,341
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây