Ông Hà Duy Tiến (xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) là một trong những người tiên phong trồng cà phê theo bộ tiêu chuẩn 4C. Trước đây, mỗi mùa ông Tiến phải tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng để mua các loại phân để chăm bón cho 2 ha cà phê. Tốn nhiều tiền nhưng kết quả không đạt như mong muốn. Từ năm 2012, ông Tiến bắt đầu tham gia dự án sản xuất cà phê bền vững. Tham gia dự án này, ông bắt đầu ghép cải tạo vườn cà phê, ủ phân bón hữu cơ và vi sinh từ vỏ cà phê và đặc biệt là bón phân đúng cách, đúng liều lượng.
Ông cho biết: “Không riêng gia đình tôi mà trước đây ai cũng sử dụng phân bón hóa học. Vườn lúc nào cũng thuê người phạt cỏ, sau đó dùng thuốc xịt cỏ để diệt nên đất ngày càng bị chai. Giờ tham gia sản xuất cà phê bền vững, chúng tôi đã biết cách ủ phân vi sinh, giữ lại cỏ trong vườn để bảo vệ các loài thiên địch đối với sâu bệnh trên cây cà phê. Nhờ vậy mà chi phí đầu tư giảm từ 40 - 50%, năng suất cũng tăng từ 1,5 - 2 lần. Chất lượng hạt cà phê chắc chắn hơn hẳn vì không có phun xịt thuốc nên không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”. Ngoài chăm bón cây cà phê đúng cách, ông Tiến còn học được cách trang bị bảo hộ lao động mỗi khi phun xịt thuốc, chỉ xịt thuốc cục bộ đối với những cây bị bệnh mà không xịt trên diện rộng như trước đây. Trong khi thu hái phải chia làm 3 đợt là hái bói, hái rộ và hái vét để chất lượng trái cao hơn. Đặc biệt, khi hái xong là đem cà phê phơi luôn, không ủ như trước đây làm ảnh hưởng đến chất lượng nhân.
Ngoài gia đình ông Hà Duy Tiến còn có hơn 70 hộ dân khác ở xã Lộc Quảng tham gia dự án sản xuất cà phê bền vững. Khi canh tác cà phê theo qui trình sản xuất bền vững này, người nông dân được thu mua cà phê nhân với giá cao hơn từ 200 - 300 đồng/kg. Nông dân Đinh Văn Thanh chia sẻ: “Mức hỗ trợ này chỉ mang tính chất khuyến khích là chính. Điều quan trọng là năng suất cà phê tăng và ổn định. Người sản xuất cà phê thể hiện được trách nhiệm của mình thông qua việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. Từ năm 2012, anh Thanh cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cà phê 1,5 ha của gia đình. Hệ thống này ngoài dùng để tưới nước vào mùa khô hạn thì còn có thể “bón phân” mỗi khi tới đợt. Nhờ đó mà tiết kiệm được nước và phân bón không thất thoát nên giảm được gần một nửa tiền mua phân. Đây cũng là một trong những cách để sản xuất cà phê bền vững được tốt hơn. “Tất cả những yêu cầu của dự án, người nông dân đều dễ dàng làm được, vì đây là những việc thường ngày trước đây vẫn làm, nhưng giờ thực hành bài bản và quy cũ hơn. Trước đây nếu làm sạch cỏ thì các loại thiên địch như kiến, bọ rùa, ong, bướm không còn nên dịch ve sầu và rệp là điều mà nông dân lo ngại và tốn nhiều thời gian để trừ bệnh nhất. Giờ thì nông dân như chúng tôi đã có nhiều thời gian nhàn rỗi nên có thể tham gia nhiều hội thảo khoa học để áp dụng vào sản xuất” - anh Thanh cho biết.
Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có 22/75 hộ dân tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C có năng suất ổn định 5 tấn/ha. Trong quá trình triển khai, các hộ nông dân đã chia tổ và tiến hành kiểm tra chéo lẫn nhau để ghi nhận những việc làm được và chưa làm được. Đến nay, khái niệm sản xuất cà phê 4C đã dần trở nên quen thuộc với bà con trong vùng. Sau vụ mùa đầu tiên cho hiệu quả rõ rệt, nhiều nông dân trong vùng đã tự học cách để sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C hoặc đăng ký danh sách tham gia dự án này (đã có khoảng 100 hộ đăng ký). Cách đây 2 năm, vườn cà phê của anh Trần Quang Ngọc Vũ là xấu nhất vùng. Từ khi tham gia sản xuất cà phê bền vững, mảnh vườn hơn 3 ha của anh đã khác biệt hẳn, ai cũng ngạc nhiên.
Ông Nguyễn Trọng Tường, phụ trách chương trình phát triển cà phê bền vững của Nestlé tại Lâm Đồng, cho biết: Qui trình sản xuất cà phê tiêu chuẩn 4C là qui trình nhấn mạnh đến yếu tố bền vững về năng suất, môi trường sống và an toàn trong sản xuất. Mục tiêu của dự án nhằm tạo sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân. Từ đó, hướng họ đến quy trình sản xuất chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Thạc sĩ Nguyễn Văn Quảng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu cây trồng Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, khẳng định: Về lâu dài, Nhà nước và các công ty cà phê trong nước cần hỗ trợ nông dân từng bước tiếp cận với các chứng nhận sản xuất cà phê bền vững như Chứng nhận 4C, Chứng nhận UTZ, Chứng nhận Liên minh mưa rừng - Rainforest Alliance và Chứng nhận thực hành sản xuất cà phê tốt - Good Agricultural Practice. Các tiêu chuẩn này đều đặt yêu cầu phải cải tạo vườn cà phê, tạo một “thế hệ” vườn cà phê mới với năng suất ổn định, chất lượng quả cao. Từ đó, giá trị của mặt hàng cà phê sẽ tăng cao hơn khi xuất khẩu vì đáp ứng được yêu cầu chuẩn của các công ty rang xay hàng đầu thế giới.
Báo Lâm Đồng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã