Xuất thân từ một gia đình nông dân ở làng hoa Thái Phiên (P.12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), anh Nguyễn Định vốn là một kỹ sư nông nghiệp của ĐH Nông Lâm TP.HCM. Ra trường, anh làm việc cho 5 công ty liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như cung cấp thiết bị tưới nhỏ giọt của Israel, một công ty lớn chuyên sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật... Sau cùng anh quyết đinh nghỉ việc đề về phụ ba mẹ và làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao.
Được một người bạn ở Nhật giới thiệu về giống dưa Pepino, tháng 10/2015 anh Định nhập hạt giống dưa Pepino về trồng thử nghiệm khoảng 800 gốc trên diện tích gần 200 m2. Là kỹ sư nông nghiệp nên với anh, kỹ thuật trồng loại này không quá khó, dù lần đầu anh được tiếp cận loại dưa lạ này.
Dưa Pepino hay còn có tên gọi khác là Dưa hấu Nam Mỹ là một loại cây ăn quả trái nhỏ khoảng 200-300gram có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Vì hương vị của nó rất thơm ngon, ngọt ngào nên ở Anh nó còn có một tên gọi khác là Sweet Cucumber. Được gọi là giống dưa "sang chảnh" bởi pepino là loại dưa ít được xuất khẩu vì quả của nó rất nhanh hỏng và khó bảo quản, lại có chi phí cao nên đa số ở nước ngoài chúng đều được trồng ngay ở bản địa bằng cây giống hoặc hạt giống. |
Dưa Pepino được anh Định trồng trong nhà kính, được trồng trên luống cao 20 cm, rộng 1,5 m, mỗi luống 2 hàng. Vườn được trang bị gồm hệ thống tưới nhỏ giọt (cắm vào từng gốc dưa) và phun sương. Các chất dinh dưỡng cung cấp để nuôi cây dưa Pepino đều được anh nhập từ nước ngoài, pha trực tiếp vào nước, tưới qua hệ thống nhỏ giọt. Phương pháp này, theo anh, vừa tiết kiệm được nước tưới, vừa giúp cây hấp thụ hết chất dinh dưỡng, không gây lãng phí, cây dưa lại phát triển đồng đều.
Trên luống dưa Pepino, chủ vườn còn trồng xen kẽ thêm ngò tây, một loại cây tiết ra chất tinh dầu cao, có khả năng xua đuổi các loại côn trùng gây bất lợi cho dưa để hạn chế mầm bệnh.
Thấy thị trường bắt đầu quen và thích loại dưa mới này, Định tiếp tục nhân giống để mở rộng diện tích lên 500 m2.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, chủ vườn dưa độc đáo cho biết, nếu trồng đúng kỹ thuật, dưa pepino kháng bệnh rất tốt, nhưng người trồng phải chú ý đến việc cắt tỉa cành non. Đây là điều kiện kỹ thuật buộc nhà vườn phải tuân thủ, nếu không dưa sẽ tập trung toàn bộ chất dinh dưỡng để nuôi thân mà không đơm hoa, kết trái. Thông thường, mỗi gốc người trồng chỉ nên để một đến hai cành cho cây tập trung phát triển, ra trái nhiều và đều.
Cây được hơn 3 tháng tuổi sẽ đồng loạt cho ra trái, đến 4-5 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi trái trung bình đạt trọng lượng 300 g, cho mùi thơm mát, đặc trưng.
Loại dưa này được nhiều du khách tới Đà Lạt thích thú, nhiều người đọc được, biết giá trị dinh dưỡng của dưa pepino nên tìm đến vườn của anh để xem, chụp hình và mua sản phẩm.
Theo Nông nghiệp Việt Nam, cuối năm 2016, gia đình anh Định đã thu hái được hơn 1 tấn quả, bán ra thị trường với giá 60.000 đồng/kg. thời điểm đó, mỗi ngày vườn dưa Pepino này cho trên 40 kg quả chín. Nơi tiêu thụ chính vẫn là thị trường Hà Nội và TP HCM.
Theo anh Định, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi gốc dưa pepino có thể cho thu hoạch 6kg quả, liên tục trong vòng 2-3 năm. Khi vườn dưa Pepino cho quả ổn định, trung bình mỗi ngày gia đình anh Định cho thu hoạch khoảng 60-80 kg, cho doanh thu làm giàu không dưới 90 triệu đồng mỗi tháng.
Hoàng MT (T/h) - VietQ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã