Nuôi bò, lĩnh thưởng cả trăm triệu đồng
Đi trên thảo nguyên mênh mông, ngút một màu xanh đến hết tầm mắt, ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu khoe với chúng tôi, chỉ có Mộc Châu và Đà Lạt có ưu thế hơn cả về nuôi bò sữa trong cả nước.
Ông nói, ở Mộc Châu có cái mà các Cty sữa khác có tiền cũng không mua được là khí hậu và đất đai. “Tầng đất mặt ở vùng thảo nguyên này độ dày 1,3-1,5 m, nếu tưới nước nữa có lẽ không nơi nào bằng”.
Chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu theo mô hình nông hộ, họ gắn chặt quyền lợi với Cty vì họ cũng là cổ đông. Từ năm cổ phần hóa (2005) đến nay, đàn bò của nông trường không ngừng tăng thêm.
Đến nay toàn Cty có 486 hộ nuôi bò, tổng đàn bò cũng gần 10.000 con, mỗi năm cung ứng gần 40 nghìn tấn sữa. Bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 23-24 con, trong đó nhiều hộ nuôi 50 con trở lên, có hộ hơn 100 con.
Theo lãnh đạo Cty, toàn bộ hệ thống thú y, thụ tinh nhân tạo và quản lý con giống, thức ăn chăn nuôi đều do cán bộ của Cty trực tiếp làm, hướng dẫn bà con sử dụng. Hiện 100% số hộ chăn nuôi đều có máy vắt sữa, máy tắm cho bò, máy cắt cỏ, thái băm thức ăn xanh.
Anh Nguyễn Văn Quang, đơn vị 85, một trong những tỷ phú trẻ nhờ nuôi bò sữa thị trấn Nông trường (Mộc Châu), cho biết nhiều khâu đã cơ giới hóa nên cũng đã bớt sức người đi rất nhiều. Hiện, hộ nhà anh Quang ngoài máy vắt sữa, có tới 4 máy cày, một máy băm thức ăn công suất khá lớn, 1 xe ô tô vận chuyển sữa.
Khu vắt sữa hiện đại tại Trung tâm bò giống của Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu. |
Anh Quang nói, Cty có tới 18 điểm thu mua sữa. Theo quy trình, sau khi vắt sữa xong, phải chuyển đến điểm thu mua sữa của Cty ngay gần đó. Sữa bò sau khi vắt xong khoảng 25-37 độ C, khi đưa vào điểm thu mua, sẽ bảo quản ở 2-4 độ C. Hàng ngày, có xe chuyên dụng của Cty đi đến các điểm thu mua để lấy sữa về nhà máy chế biến.
Lãnh đạo Cty cho biết, sữa hộ dân mang đến phải dùng cồn kiểm tra nhanh độ tươi của sữa, rồi phân loại. Sau đó, lấy mẫu tất cả các bình sữa, bảo quản và chuyển về Trung tâm phân tích chất lượng để kiểm tra các chỉ tiêu về chất khô, vi sinh, protein, mỡ, đường… và trả tiền cho hộ dân theo chỉ tiêu đó. Hiện giá thu mua của Cty sữa Mộc Châu là 12.600 đồng/kg.
Ngoài ra, hàng tháng, Cty có tổ, gồm quản trị khu vực, đại diện công đoàn, công nhân kiểm tra thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng dẫn ở các nông hộ. Ông Chiến nói, “anh nào không đạt thì không được thưởng tháng, quý. Với hộ không vi phạm, được thưởng 600-800 đồng/kg, tính cho tổng số sữa trong tháng, quý đó.
Tương tự, cuối năm, nếu không vi phạm, các hộ được thưởng 300 đồng/kg. Với mức thưởng đó, có hộ hằng nằm lấy 100-150 triệu đồng tiền thưởng là bình thường. Ở nông trường này, ai làm tốt, chất lượng sữa cao thì càng giàu, còn làm không tốt thì càng nghèo”.
Đột phá bằng công nghệ TMR
Nuôi bò sữa, nhìn đơn giản nhưng thực sự nó là công nghệ cao. Ông Trần Công Chiến cho biết, với con bò sữa, thức ăn chăn nuôi rất quan trọng, vì nó quyết định chất lượng của sữa.
Hiện Cty đã có nhà máy sản xuất thức ăn tinh cho đàn bò toàn nông trường. Mặt khác, hiện các hộ chăn nuôi bò cũng được hỗ trợ một phần mua cỏ Alfalfa nhập khẩu từ Mỹ cho bò cao sản (cho 30 lít sữa/ngày trở lên), để tăng chất đạm.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, khâu đột phá nhất đầu năm tới là Cty sẽ hoàn thành xong nhà máy chế biến sản phẩm thức ăn hỗn hợp (TMR - Total Mixed Ration), giàu hàm lượng dinh dưỡng nhằm gia tăng sản lượng, chất lượng sữa cho hộ chăn nuôi.
Người chăn nuôi bò ở Mộc Châu khẳng định thương hiệu sữa sạch, nguyên chất của mình trên chú bò dự thi Hoa hậu bò sữa do Cty tổ chức vào ngày 15-10 hàng năm. . |
Theo thiết kế ban đầu, công suất nhà máy 100-150 tấn/ngày. Thức ăn TMR là hỗ hợp chứa 30-35% thức ăn ủ ướt, khoảng 12% loại cỏ khô trồng ở Mộc Châu, khoảng 12-15% là cỏ Alfafa nhập từ Nam Mỹ, ngoài ra còn có khô dầu, các loại premix… trộn lại. “Từng loại như bò tơ, bò cạn sữa, bò vắt sữa… đều ăn theo công thức, khẩu phần”- ông Chiến nói.
Việc sử dụng TMR cho bò sữa có thể kiểm soát được hiệu quả thức ăn, theo doi khẩu phần thức ăn qua biến động lượng sữa hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp.
Dùng thức ăn TMR cũng giúp con bò giúp bò kéo dài độ bền cho sữa, khai thác được nhiều kỳ sữa, nhất là bò cao sản không bị suy kiệt phải loại thải sớm, lãng phí…
Theo lãnh đạo Cty, nhà máy TMR làm theo công nghệ Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành, đây là nhà máy TMR đầu tiên ở Việt Nam, và sẽ làm thay đổi mô hình chăn nuôi bò sữa không chỉ ở Mộc Châu, mà trên cả nước.
Cũng theo ông Trần Công Chiến, các công đoạn trong sản xuất sữa đều có vai trò quan trọng.
Với sự khắt khe từ khâu, cùng với áp dụng công nghệ sản xuất, chế biến hàng đầu thế giới, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và cho ra sản phẩm sữa sạch.
Phước An
tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã