Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 8.000 ha rừng được giao khoán cho các hộ nghèo. Hầu hết diện tích rừng phòng hộ đều nằm ngoài đê bao biển Đông, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Đông Hải (2.202 ha), Hòa Bình (4.800 ha) và TP.Bạc Liêu (1.082 ha). Các hộ nghèo nhận khoán đất đều áp dụng mô hình nuôi tôm - cua - cá dưới tán rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, các hộ áp dụng mô hình này thường tận dụng nguồn nước mặn từ biển Đông theo chế độ thủy triều và thả nuôi thủy sản với mật độ thưa: tôm từ 1 - 2 con/m2, cua từ 500 - 700 con/ha, đồng thời kết hợp thả thêm các loại cá đối, cá nâu, cá phi… Sau 2,5 tháng thả nuôi, người dân bắt đầu thu hoạch theo hình thức “thu tỉa, thả bù”, tức là định kỳ từ 30 - 45 ngày thả bổ sung thêm tôm, cua, cá giống. Suốt nhiều năm qua, mô hình này đã cho hiệu quả khả quan, năng suất bình quân mỗi năm đạt từ 400 - 500 kg/ha, hầu hết các hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Trường (ngụ ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, H.Hòa Bình), trước đây, gia đình ông có hoàn cảnh rất khó khăn, không đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ. Năm 2003, sau khi nhận khoán 3 ha rừng phòng hộ, gia đình ông Trường bắt tay vào cải tạo và áp dụng ngay mô hình nuôi tôm - cua - cá dưới tán rừng. Ông Trường cho biết mỗi năm ông thả 4 đợt tôm giống (khoảng 150.000 con/đợt), còn cua giống ông thả gối đầu khoảng 2.000 con/tháng, thêm ít con giống cá đối, cá nâu… ven các cửa sông. Sau gần 3 tháng, ông bắt đầu thu tỉa tôm, cua lớn để bán, trung bình mỗi tháng kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Nhờ áp dụng mô hình này mà đến nay, gia đình ông có nguồn thu nhập khá và thoát nghèo.
|
Hộ ông Nguyễn Văn Đước (ngụ ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, H.Đông Hải) cũng áp dụng khá thành công mô hình nuôi tôm - cua - cá dưới tán rừng. Năm 2000, khi mô hình này bắt đầu phát triển, ông cải tạo đất, tỉa nhánh cây rừng kết hợp thả thêm cua, cá... Ban đầu, do kinh nghiệm hạn chế, thu hoạch còn phụ thuộc vào thiên nhiên, nên lợi nhuận chưa cao. Năm 2007, ông Đước bỏ công sức cải tạo bờ bao khép kín để bảo đảm việc cấp thoát nước. Với hơn 5 ha đất rừng được giao khoán, mỗi năm ông thu lãi gần 150 triệu đồng. Nhờ bảo vệ tốt rừng phòng hộ, nên các loại thủy sản sống dưới tán rừng ít bị dịch bệnh, phát triển tốt, đồng thời rừng đước, mắm ngày càng phát triển.
Nuôi tôm - cua - cá dưới tán rừng là mô hình nuôi tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng thức ăn, nên chi phí rất thấp. Các hộ nhận khoán đất chỉ cần tận dụng diện tích mặt nước dưới tán rừng để nuôi các loài thủy sản. Mô hình này đang được ngành nông nghiệp Bạc Liêu khuyến khích nhân rộng, nhằm giúp người dân tăng cường ý thức bảo vệ rừng, đồng thời tạo điều kiện để các hộ nghèo có nguồn thu nhập ổn định.
Trần Thanh Phong
Theo thanhnien.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã