Ông Thành chăm sóc cà chua Cherry.
Chiếc xe của ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch hội đồng thành viên công ty An Phú (APP) đã đưa chúng tôi đến thăm trang trại của công ty nông sản An Phú tại thôn Đa Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 16km. Ngồi sau tay lái nghe ông Thành và anh lái xe trao đổi những câu chuyện về cách thức trồng, thu hoạch rau, quả sạch hết sức sôi nổi. Chiếc xe đông lạnh của công ty đang chở rau củ ở phía trước, người lái xe là Nguyễn Thành Nguyên, 25 tuổi, là con trai lớn của ông Thành đã tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh ở California trở về Đà Lạt làm giám đốc công ty.
Từ nghề làm bao bì xuất khẩu, ông Thành tìm hiểu và đi vào lãnh vực xuất khẩu nông sản. Trong những chuyến đi tiếp cận thị trường Canada, Hoa Kỳ, một số khách hàng gợi ý với ông hãy thử trồng loại đậu Hoà Lan ở vùng đất thiên nhiên ưu đãi đặc biệt là Đà Lạt. Sau thời gian trồng thử nghiệm, nắm bắt yêu cầu về chất lượng, và tìm hiểu thấy nhu cầu tiêu thụ đậu Hoà Lan thực sự lớn, ông quyết định trở về Đà Lạt mua đất lập trang trại trồng rau theo quy trình sạch VietGap. Với diện tích trang trại 17ha công ty An Phú dần dần phát triển nhiều loại rau củ khác nhau. Một số ông trồng trên đất sạch trong nhà kính, một số khác trồng trên giá thể tức là không sử dụng đất tự nhiên mà bằng sơ dừa trộn trấu cùng với rong biển, cho hệ thống ống tưới tự động nhỏ giọt đi qua để chuẩn hoá toàn bộ khâu tưới nước và phân. Trong đó khu vườn trồng đậu Hoà Lan rộng gần 2.000m2 với giống nhập khẩu từ nước ngoài được trồng theo công nghệ sạch làm cho quả đậu giòn, ngọt và nhiều dinh dưỡng, công ty An Phú còn áp dụng phương pháp mới dùng lưới giăng cao cho đậu leo lên hơn 3m nên cho sản lượng cao hơn canh tác truyền thống. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của công ty xuất khẩu ra nước ngoài (Canada mỗi tuần nhập 4.000kg). Ông Trần Văn Việt, chủ tịch hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, đánh giá: “Đây là mô hình sản xuất đậu Hoà Lan công nghệ cao để xuất khẩu đầu tiên ở Đà Lạt. Mô hình khép kín này đang mở ra hướng đi mới cho thị trường xuất khẩu rau Đà Lạt”.
Ông Thành tâm sự: tốt nghiệp trường đại học Đà Lạt, học chuyên ngành âm nhạc, đi làm cán bộ ngành văn hoá thông tin, làm biên tập viên chương trình ca nhạc của đài Truyền hình Lâm Đồng sau đó chuyển sang kinh doanh in ấn bao bì văn phòng phẩm, rồi bao bì xuất khẩu nông sản với nhiều người bạn khác, đến năm 2003, ông mới chính thức có một công ty nhỏ hoạt động theo ý muốn của mình.
“Như vậy là tôi chính thức tái khởi nghiệp từ năm 2003, lúc mình đã 43 tuổi rồi. Khi mới làm ngay cả vợ tôi cũng không an tâm, vì thấy lãnh vực quá mới, công việc quá cực nhọc vì phải vào rất sâu trong đồi núi mới có đất và theo đuổi trang trại nhiều tháng liền xa nhà để gầy dựng những bước đầu tiên”, ông nói. Nhiều người trong gia đình ông còn không tin là ông sẽ làm được việc trong lĩnh vực nông sản này. Còn Nguyên, con trai lớn của ông, sau khi từ nước ngoài trở về nhà đã khởi nghiệp làm nông dân thực thụ tại công ty của gia đình, nhanh chóng tiếp thu cách thức trồng nông sản sạch, hiện đang ấp ủ, thí nghiệm những cách làm mới như đang chuẩn bị trồng cây thủy canh, nghiên cứu mô hình mới trồng rau kết hợp nuôi cá. Công ty An Phú đang thí nghiệm phương pháp ủ lạnh giữ hoa chậm nở, tươi lâu theo ý mình nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển đường xa…
Ông Thành nói thêm: “Tôi hay Nguyên đều thể hiện lòng mong muốn áp dụng khoa học kỹ thuật mới, sáng tạo trong phương pháp sản xuất, nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, làm ra được sản phẩm xanh, sạch, lành phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã