Nghị quyết khôi phục rừng
Chúng tôi men theo con đường 22B để vào thăm rừng dẻ Quảng Lưu. Càng vào sâu trong rừng, cây dẻ càng ken dày, xanh ngút tầm mắt. Ông Biền Ngân – Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu cho biết: “20 năm trước, những dãy đồi ở đây đều trọc lóc.
Hằng ngày, hàng trăm lượt người ở Quảng Lưu và từ các xã lân cận vào chặt phá cây không thương tiếc. Rừng bị phá tan hoang, nên hầu như năm Quảng Lưu cũng bị mất mùa do lũ quét và khô hạn”.
Rung cây cho hạt dẻ rụng để nhặt. |
Để khắc phục tình trạng đó, xã đã xác định chỉ có cách hồi sinh rừng dẻ. Năm 1990, Đảng uỷ xã Quảng Lưu đã ra hẳn một Nghị quyết đóng cửa rừng, không cho một người dân nào vào làm nương rẫy nữa. Theo ông Ngân, ngày đó “đóng cửa rừng” cũng đồng nghĩa với việc “úp nồi cơm của dân lại”. Vì toàn xã chỉ có 541ha đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đất rừng và rừng lâu nay vẫn là một nguồn để nuôi sống hơn 6.000 dân. Khi lệnh “cấm rừng” được ban ra, những ai phá rừng nếu là cán bộ, đảng viên thì bị xử lý thật nặng; nếu là quần chúng thì chính quyền xã, thôn dành nhiều thời gian để khuyên giải…
Ông Nguyễn Văn Hợp - một trong những người bảo vệ rừng ngày ấy, cho biết: "Lắm lúc bắt được người dân phá rừng, bọn tôi còn phải... thủ thỉ hầu chuyện với họ cả buổi rồi cho họ về. Rồi người dân mô ở xã Quảng Lưu cũng “thấm” ý nghĩa của việc phải phục hồi rừng dẻ”.
Thu tiền tỷ từ rừng dẻ
Anh Phan Văn Nam ở thôn Vân Tiền là một trong những người đi đầu trong việc khôi phục rừng dẻ. Những tháng năm đầu, anh Nam lấy cây khoai, cây lúa trồng được làm cái ăn cho "công cuộc giữ rừng" của mình. Khi rừng dẻ bắt đầu hồi sinh trở lại xanh tốt, rồi lớn lên và cho hạt, anh lấy việc nhặt hạt dẻ làm kế mưu sinh. “Đến nay, mỗi năm vào mùa cây dẻ cho hạt, gia đình tôi nhặt được khoảng gần nửa tấn hạt, thu vào gần chục triệu đồng” - anh Nam thổ lộ.
Ông Nguyễn Văn Tư sống gần rừng dẻ cũng trở thành người tự nguyện giữ rừng như mọi người dân khác trong xã. Giữ rừng, ông được rừng đáp lại bằng những mùa quả sum suê. Ông cho biết, mỗi năm cũng thu nhặt được vài ba tạ hạt, số tiền 5-7 triệu đồng có được từ bán hạt dẻ là khá lớn so với thu nhập từ hạt lúa của người làm nông ít ruộng ở xã.
Bây giờ người dân Quảng Lưu và cả ở các xã lân cận đã coi hạt dẻ là một nguồn thu quan trọng. Mùa dẻ rụng hạt, trong rừng ngày nào cũng có khoảng 2.000 người vào nhặt. Ông Biền Ngân cho biết: “Theo thống kê mà UBND xã có được, sản lượng hạt dẻ người dân trong xã thu nhặt được mỗi năm là trên 100 tấn. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, toàn xã thu hơn 2 tỷ đồng”.
Phan Phương
Nguồn:danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã