“Máu” kinh doanh
Sinh ra và lớn lên ở làng biển nhưng Vinh không theo nghiệp biển cả bởi một lý do say sóng. Anh kể, lần đầu tiên cùng cha ra biển đánh cá là lúc còn học cấp 3, nhưng anh không chịu nổi những con sóng chao đảo, liên tục bị nôn ói suốt hành trình. Vào đất liền, anh nghĩ không bao giờ đi biển nữa vì sức khỏe không cho phép, dù cũng như mọi người, anh rất yêu biển và yêu nghề truyền thống của cha ông.
Sau nhiều năm lao động cật lực, cha của Vinh nghỉ biển vì lớn tuổi và chuyển qua kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá.
Công việc làm ăn khấm khá, gia đình anh được biết đến là một trong những hộ kinh doanh có quy mô lớn về xăng dầu, ngư lưới cụ, đá lạnh… phục vụ tàu thuyền ra khơi đánh bắt.
Là con đầu trong gia đình 3 anh em trai, từ nhỏ Vinh rất chăm chỉ học hành. Hết lớp 12, anh thi đậu ngành điện tử viễn thông (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP HCM). Đồng thời tranh thủ học tiếp văn bằng 2 ngành quản trị kinh doanh.
“Có lẽ do ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh của gia đình nên máu kinh doanh đã ngấm vào cơ thể. Vì thế nên mình tranh thủ học thêm những kiến thức về kinh doanh để sau này sử dụng” - Vinh tâm sự.
Anh Huỳnh Văn Vinh (áo ca rô) giới thiệu về ý tưởng trồng rau hữu cơ tại xã Tam Giang. |
Vinh cho biết, ngay khi ra trường, anh không vội vàng đi xin việc mà lại “lao” ngay vào kinh doanh, điều mà anh ấp ủ từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường. Với ý tưởng đưa những sản phẩm đặc trưng của quê hương đi giới thiệu, quảng bá với mọi người, Vinh mở một quán ăn nhỏ tại quận Tân Bình (TP HCM) để vừa kinh doanh dịch vụ ăn uống, vừa tiếp thị, quảng bá các sản phẩm.
"Qua khảo sát, mình nhận thấy nhiều người rất nghiền “xài” đồ quê, nhất là các sản phẩm sạch. Vì thế, mình đã tận dụng lợi thế của gia đình làm nghề biển để cung cấp các sản phẩm hải sản sạch như tôm, cá, ốc… cho người dân đang sinh sống tại TP HCM”, chàng trai tâm sự.
Việc kinh doanh tiến triển khá tốt nhưng 2 năm sau, anh phải bỏ dở để về quê phụ giúp gia đình quản lý kinh doanh.
Dân biển… trồng rau hữu cơ
Ngoài kinh doanh dịch vụ hầu cần nghề cá, gia đình Vinh còn góp cổ phần vào 7 tàu cá, trong đó có 4 tàu vỏ thép. Cả đội tàu hầu hết do anh em trong gia đình làm chủ tàu, tham gia đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều người bảo, gia đình có “điều kiện” như thế thì Vinh chẳng cần làm gì cũng sung túc, nhưng không, anh thích tự lập và muốn xây dựng sự nghiệp riêng. Vì thế, sau khi em trai lập gia đình, anh đã bàn giao lại việc kinh doanh và bắt đầu những ý tưởng khởi nghiệp.
Anh thành lập công ty với ý tưởng kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Anh cho biết, công ty sẽ kinh doanh trên các lĩnh vực cụ thể như xây dựng - du lịch cộng đồng - nông nghiệp công nghệ cao - thực phẩm và đầu tư hệ thống siêu thị mini. Không phải nói chơi, Vinh đã bắt tay làm với những ý tưởng hết sức táo bạo, đó là dự án trồng rau sạch hữu cơ tại xã Tam Giang (Núi Thành). Trước đó, anh cũng đã thuê đất ở xã Tam Giang (Núi Thành) để đầu tư mô hình chăn nuôi vịt trời.
Trên diện tích đất trắng xóa vừa được cày xới là hệ thống ống nước được nối chằng chịt. Đó là 1ha đầu tiên trong 3ha đất mà Vinh thuê của người dân xã Tam Giang để khởi nghiệp trồng rau hữu cơ. Thắc mắc vì sao lại chọn khu vực đất cằn cỗi, cát trắng xóa, không đảm bảo nước tưới để trồng rau, Vinh cười rồi nói: “Đó mới là mấu chốt. Tôi đã tìm hiểu và tham quan qua nhiều mô hình, đồng thời thuê luôn một đội kỹ sư nông nghiệp hẳn hoi để triển khai các mô hình. Chỗ này tuy đất cằn, khó khăn về nước tưới nhưng lại rất phù hợp để trồng rau hữu cơ. Ngoài ra vị trí này còn thuận lợi về giao thông, gần quốc lộ và thị trấn Núi Thành”.
Vinh cho biết thêm: “Nước tưới thì nay mình không lo nữa vì sau khi khoan mấy mũi thì nước rất nhiều, đảm bảo chất lượng và đem đi kiểm định. Tiến tới, mình sẽ cải tạo đất bằng công nghệ vi sinh để tạo lại sự cân bằng cho đất, vì chỗ này người dân thường xuyên bỏ hoang nên đất bị cằn cỗi. Đồng thời đầu tư hệ thống lưới che cho trang trại”.
Để sản xuất rau hữu cơ, ngoài việc áp dụng quy trình chăm sóc sạch, các giống cây trồng đều được Vinh thực hiện bằng phương pháp nuôi cấy mô từ Đà Lạt mang về và trực tiếp sản suất phân vi sinh. Với phương pháp này, cây trồng sẽ tránh được sâu bệnh và cho năng suất cao hơn với phương pháp ươm giống truyền thống nên giá thành sẽ không chênh lệch so với sản xuất rau vô cơ.
Và ý tưởng về chuỗi siêu thị mini
Ngoài ý tưởng về mô hình sản xuất rau hữu cơ, Vinh đang lên một kế hoạch khác là thành lập chuỗi siêu thị mini trên địa bàn huyện Núi Thành. Điều này nghe ra khá viển vông nhưng Vinh cho biết đó hoàn toàn không phải là ý nghĩ gì điên rồ, quá tầm với. Anh có cơ sở để thực hiện ý tưởng này và sẽ quyết tâm làm cho bằng được. Theo đó, siêu thị mini sẽ cung cấp thực phẩm sạch, rau, thịt, cá sạch, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, đồ đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, bánh kẹo, tả, giấy, bỉm, sửa… cùng các tiện ích như điểm thu tiền điện, internet, truyền hình…
“Mình đã lên kế hoạch rất chi tiết, điểm nhấn của siêu thị mini là cung cấp các sản phẩm sạch, đặc trưng của Quảng Nam và Núi Thành nói riêng. Trong đó, rau sạch sẽ được cung cấp từ mô hình trồng rau hữu cơ của mình. Các sản phẩm hải sản sẽ được thu mua từ chính các tàu thuyền đánh bắt. Sau nữa, mình sẽ tiến hành liên kết với các trang trại chăn nuôi, người nông dân trên địa bàn để cung cấp thực phẩm sạch hoặc chuyển giao quy trình sản xuất sạch để phân phối ra thị trường… Mình hy vọng, siêu thị mini sẽ là nơi tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của người dân nói chung và các mô hình khởi nghiệp về nông nghiệp của thanh niên nói riêng”, Vinh cho hay.
Hiện nay, Vinh đã lên phương án thiết kế thi công hệ thống nhận diện của siêu thị mini . Đồng thời đăng thông báo tuyển nhân viên trên các trang web, mạng xã hội để chuẩn bị cho ngày khai trương, dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 4 này. Anh cho biết, để đầu tư kinh doanh rau hữu cơ và hệ thống siêu thị, anh đã bỏ tiền đầu tư cả tỷ đồng, trong đó phần lớn vay mượn từ ngân hàng và gia đình. “Làm kinh doanh thì phải liều thôi. Nếu sợ thua lỗ mà không dám làm thì suốt đời mình cũng không biết có làm được hay không” - Vinh nói.
Anh Dương Văn Bảo – Phó Bí thư Huyện đoàn Núi Thành cho biết: “Mình có nghe anh em nói nhiều về Vinh và bản thân cũng đã trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện. Mình thấy Vinh rất chịu khó, thích tự lập, nhất là tinh thần khởi nghiệp rất cao. Hy vọng những ý tưởng của anh ấy sẽ thành công để qua đó tạo động lực cho những người trẻ khác cùng tham gia khởi nghiệp”.
Theo Báo QUẢNG NAM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã