Học tập đạo đức HCM

Trồng hoa làm đẹp, làm giàu

Thứ sáu - 07/02/2014 00:55
Ngay từ những ngày đầu xuân mới, trên những cánh đồng hoa của Thủ đô, không khí sản xuất lao động đã rất đông vui. Bởi chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày lễ Tình yêu 14-2 , rồi ngày 8-3, nhu cầu hoa tươi tiếp tục tăng lên. Ở một đô thị phát triển như Hà Nội, nghề trồng hoa đang là một hướng đi mới được nông dân các huyện ngoại thành lựa chọn.

 

Với những người dân xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), đã từ lâu không còn có tình trạng "ra Giêng ngày rộng tháng dài" nữa. Ngay từ những ngày đầu năm, không khí "ra quân" sản xuất đã nhộn nhịp trên những cánh đồng hoa ngút ngát. Năm nay, người dân còn xuống đồng sớm hơn, bởi chỉ còn một tuần nữa là đến ngày lễ Tình yêu 14-2. Có hộ còn hãm hoa từ trước Tết để đón dịp lễ này. Với hơn 100 ha trồng hoa các loại, trong đó có 49 ha trồng hoa cúc, 33 ha trồng hoa hồng và khoảng hơn 10 ha trồng ly, người dân xã Đại Thịnh tự hào là một trong những "vựa" hoa lớn, mỗi năm cung cấp hàng triệu cành hoa phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Câu chuyện những cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm không còn là chuyện hiếm ở Đại Thịnh cũng như nhiều vùng hoa khác ở các huyện Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng...

Trồng hoa là một trong những nghề hình thành sớm ở Thăng Long - Hà Nội. Ngay sau khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, triều đình đã cho lập những "dinh điền" trồng hoa, hình thành nên những làng hoa. Thú chơi hoa từ lâu cũng đã trở thành một thú chơi tao nhã của người Tràng An. Nhưng có thể nói, chưa bao giờ nhu cầu thưởng thức hoa, cây cảnh và nghề trồng hoa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Những năm gần đây, mặc dù diện tích đất nông nghiệp của thành phố giảm xuống, nhưng diện tích đất trồng hoa vẫn liên tục tăng lên. Nếu như năm 2011, diện tích canh tác hoa, cây cảnh trên toàn thành phố mới là 2.101 ha, thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên đến 2.700 ha. Đây là diện tích trồng hoa lớn nhất từ trước đến nay của Thủ đô.

Vốn có truyền thống trồng hoa, chơi hoa, nhưng đã từng có thời gian người Hà Nội thường xuyên phải nhập một lượng lớn hoa Đà Lạt, hoa của nước ngoài để phục vụ nhu cầu trong nước. Hơn nữa, các thị trường bên ngoài thường xuyên xuất hiện những loại hoa mới được giới trẻ ưa chuộng. Ở một đô thị lớn hàng đầu cả nước, đời sống kinh tế ngày càng cao, nhu cầu thưởng thức cái đẹp tăng lên là điều tất yếu. Nếu không phát triển nghề trồng hoa, Hà Nội sẽ lỡ mất cơ hội "vàng" của thị trường tại chỗ. Nắm bắt được xu thế này, thành phố đã đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, định hướng vào các loại cây, con giống cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó, sản xuất hoa được xem là một mũi nhọn. Nhiều lớp tập huấn về nghề trồng hoa được mở tại các địa phương, nhiều biện pháp khuyến khích trồng hoa, hỗ trợ cây giống cũng được đưa đến các hộ gia đình. Nhìn thấy sức tiêu thụ mạnh mẽ của thị trường, nhìn thấy tiềm năng làm giàu từ đồng đất, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ngoài những địa phương có truyền thống trồng hoa hàng chục năm nay ở quận Tây Hồ, huyện Mê Linh hay huyện Từ Liêm, những cánh đồng hoa, cây cảnh mới đã hình thành tại các huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phúc Thọ... Thí dụ như xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ trước đây, người dân chỉ biết trồng cây lương thực, hoa màu truyền thống hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng hiện nay, đã có 64 hộ dân trong xã chuyển sang trồng các loại hoa huệ, cúc, loa kèn, ly, với tổng diện tích là 26,4 ha... Thu nhập từ hoa loa kèn là 70 triệu đồng/sào/năm. Riêng hoa ly cho thu nhập tới 180 - 200 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 50 lần so với trồng lúa. Những con số này gần như là điều không tưởng đối với người nông dân những năm trước. Nhờ thế, cây hoa đã thật sự trở thành "cây vàng, cây bạc" với người dân nơi đây.

Cùng với sự gia tăng về diện tích, cơ cấu, chủng loại hoa của Hà Nội cũng thay đổi theo hướng tăng diện tích các loại hoa có giá trị kinh tế cao. Năm 2013, diện tích trồng các loại hoa chất lượng cao (các loại lan, ly, hồng chất lượng cao) của thành phố đã tiếp tục tăng mạnh, chiếm 13% tổng diện tích trồng hoa, cung cấp cho thị trường khoảng 250 triệu cành hoa. Hoa Hà Nội đã đứng vững trên thị trường, có khả năng cạnh tranh với các loại hoa nhập khẩu. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, 85% số hoa của Hà Nội được tiêu thụ tại chỗ, phần còn lại xuất sang các tỉnh và một số nước lân cận. Giá trị sản xuất hoa ở các địa phương có kinh nghiệm sản xuất như Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ là rất cao, khoảng 300 triệu đồng/ha. Cá biệt, các giống hoa hồng chất lượng cao hay hoa ly có thể đạt tới hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Cũng nhờ phát triển mạnh nghề trồng hoa mà vào các dịp cao điểm như 8-3, 20-11 hay dịp Tết Nguyên đán, không xảy ra hiện tượng "cháy hàng", giá hoa ổn định phục vụ thị trường.

Hiện nay, triển khai Đề án Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh giai đoạn 2012 - 2016, mỗi năm, thành phố phấn đấu mở rộng diện tích canh tác hoa, cây cảnh với tốc độ mở rộng từ 60 đến 80 ha/năm. Các quận, huyện được chọn phát triển vùng hoa trọng điểm gồm: Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín... Nghề trồng hoa đang tiếp tục đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ giới hạn ở thú chơi, cây hoa đang góp phần làm đẹp, làm giàu cho thành phố.

Giang Nam

Nguồn nhandan.org.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập318
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm316
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại722,967
  • Tổng lượt truy cập90,786,360
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây