Mạnh dạn chuyển đổi
Từ một thương hồ thu nhập chỉ đủ nuôi sống 7 miệng ăn, không thể làm giàu, ông Hoàng bàn với vợ lên bờ mua đất nông nghiệp xen rừng để nuôi thủy sản. Sau 12 năm bỏ thủy bám đất sản xuất, nay trong tay ông đã có trên 25 ha đất trồng rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản. Lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.
Ông Hoàng bên mô hình "1 cây 3 con"
Ông Hoàng chia sẻ: Năm 2000, quyết định bỏ nghề thương hồ lên bờ mua đất sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản là việc làm được cho là liều lĩnh. Bởi, thời đó, đất khu vực xã Long Vĩnh do ảnh hưởng của nước mặn, sản xuất rất khó khăn nên người dân kêu bán đất rất nhiều. Đất nông nghiệp thời đó giá 3 cây vàng/ha. Năm 2001, bắt tay vào nuôi tôm quảng canh, sau 6 tháng thả nuôi, sản lượng thu hoạch cao, thu lợi nhuận tới 550 triệu đồng. Từ đó, ông Hoàng dùng tiền mua thêm 11 ha đất rừng ở ấp La Ghi xã Long Vĩnh để trồng rừng, nuôi tôm cua và tiếp tục trúng. Ông Hoàng nói vui: Tôm sú quảng canh đã biết đẻ thêm đất, nhà lầu, có tiền lo cho con ăn học.
Sau 5 năm trúng đậm, từ năm 2006 đến 2011 nuôi tôm không còn đạt như trước, thấy nhiều người nuôi tôm công nghiệp trúng lớn, ông Hoàng chuyển sang nuôi thử 2 ha và đã thất bại trắng 2 vụ. Bây giờ nói chuyện nuôi tôm công nghiệp thì ông Hoàng bảo "quá sợ, cực công, trúng mùa thì giá thấp, dịch bệnh và rủi ro cao, nuôi tôm công nghiệp không mang tính bền vững".
Kinh nghiệm 12 năm bám đất, trồng rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản, ông Hoàng chia sẻ: Muốn nuôi tôm quảng canh hiệu quả cao thì điều đầu tiên phải tính đến sự ổn định của môi trường đất, nước, không nên nuôi một con trong nhiều năm. Phải luân phiên nhiều giống loài trên cùng một diện tích. Chính vì vậy, trên diện tích 25 ha ông đã chọn phương thức trồng cây đước quanh bờ bao và xen lẫn trong ao để khi kết hợp nuôi tôm, cua, cá... sẽ tạo độ che phủ, chỗ trú ẩn cho chúng. Trồng rừng là để góp phần bảo vệ môi trường, còn việc kết hợp nuôi nhiều loài thủy sản trong cùng một diện tích là để đa dạng hóa giống loài thì sản xuất mới bền lâu.
Đa con cùng có lợi
Từ ý tưởng đó, đầu năm 2012, ông Hoàng đã thả nuôi đối tượng mới là cá chẽm kết hợp tôm và cua. Theo đó, 90.000 con cá chẽm được thả nuôi trên diện tích 11 ha. Ông Hoàng cho biết: Qua 1 năm nuôi cá chẽm, tuy là đối tượng nuôi mới nhưng không tốn nhiều công chăm sóc, rất nhàn rỗi. Nuôi tôm quảng canh chung với cua, cá không cần cho ăn nhiều, phân của cá là thức ăn cho tôm sú, tôm thương phẩm đạt 20 - 25 con/kg (lớn hơn tôm công nghiệp). Tổng chi phí đầu tư con giống tôm chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng, sau khi trừ tiền thuê nhân công thu hoạch, chi phí đầu tư, vẫn còn lãi gần nửa tỷ đồng/2 vụ tôm. Tổng thu từ tôm, cua, ông dùng để mua thức ăn nuôi 90.000 con chẽm. Hiện, cá chẽm thả nuôi đã đạt trọng lượng khoảng 3 kg/con. Tổng đầu tư khoảng 600 triệu đồng. Ông Hoàng chia sẻ, với 90.000 con, chỉ tính tỷ lệ sống 10% thì tổng sản lượng thu được cũng trên 20 tấn, cùng giá hiện tại trừ chi phí thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Cua biển trong ao ông Hoàng
Ông Hoàng cũng cho biết thêm: Trồng rừng kết hợp nuôi tôm, cua, cá là mô hình được xem là bền vững nhất. Vì trong thực tế 12 năm qua, con tôm rừng ông nuôi không hề thất bại. Để sản xuất được bền vững thì người dân nên đa dạng giống thủy sản, không nên nuôi độc canh; đồng thời, phải giữ gìn và phát triển tán rừng để bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, nuôi cá chẽm chung với tôm và cua thì không nên thả một lượt mà phải thả cá chẽm trước, khi đó thuần cho cá chẽm ăn mồi quen, và chất thải của chúng chính là nguồn thức ăn cho tôm sú. Điều quan trọng, phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá, cho ăn đúng giờ thì chúng sẽ không ăn những loài sống chung.
>> Trồng rừng kết hợp nuôi tôm, cua, cá mang lại nhiều lợi nhuận, vì rừng tạo độ che phủ, bóng mát, bộ rễ là nơi để tôm, cua trú ẩn. Ông Hoàng dự kiến, sau khi thu hoạch xong vụ cá chẽm, ông sẽ thả tiếp 1 vụ nữa rồi quay lại trồng 1 vụ lúa để cải tạo đất. Đa dạng hóa cách làm với mục tiêu cải tạo và bảo vệ môi trường trong ao nuôi luôn màu mỡ thì kết quả đạt cao, ông Hoàng cho biết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã