Tay trắng làm nên
Đi từ đầu đến cuối làng, hỏi Kpuih Khốt, ai cũng khen ngợi, bởi anh có chí làm giàu lại hay giúp đỡ người khác.
Đem chuyện này trao đổi với Kpuih Khốt, anh bảo: “Nhà mình hết nghèo rồi, đời sống đã khá hơn thì cũng phải giúp đỡ mọi người cùng làm ăn, cùng thoát nghèo chứ”. Rồi trong lúc trà dư tửu hậu, Kpuih Khốt kể: “Trước đây, nhà mình nghèo lắm, hàng năm thường thiếu ăn đến vài ba tháng vào mùa giáp hạt. Nhưng từ khi được tiếp nhận vào làm công nhân cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, cuộc sống của mình đã bước sang một trang mới”.
Kpuih Khốt kể, từ năm 1997, anh được đơn vị giao quản lý và khai thác 1,5ha cao su kinh doanh (1.500 cây cạo), ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, năng suất cao su đạt thấp. Sau đó, anh được cán bộ kỹ thuật của công ty chỉ dạy cách mở miệng cây một cách thuần thục, biết quản lý không để thất thoát mủ nên năng suất vườn cây ngày một tăng, không thua kém gì các vườn cây của người Kinh trong vùng.
Gần 10 năm trở lại đây, vườn cây của Kpuih Khốt năm nào cũng vượt định mức, ngoài tiền lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng, cuối năm anh còn được thưởng thêm 15 - 20 triệu đồng. Có nguồn thu ổn định từ vườn cao su cộng với kinh nghiệm làm ăn tích lũy được, anh mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trước đây trồng các loại cây tạp hoặc bỏ hoang để đưa các loại cây hàng hóa vào trồng. Đến nay, Kpuih Khốt đã có 2ha càphê, trong đó có 1ha cho thu hoạch từ 7 năm nay; riêng cây càphê từ năm 2013 dự kiến cho thu nhập 350 - 400 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng 1,5ha mì (sắn) cao sản, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, nuôi 12 con bò sinh sản...
Vui vì dân làng hết nghèo
Năm nay, Kpuih Khốt mới 35 tuổi nhưng đã thuộc dạng giàu có nhất nhì làng, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
Thấy Kpuih Khốt có cuộc sống khá giả, nhiều người trong làng đến học tập kinh nghiệm, anh không hề giấu diếm mà tạo mọi điều kiện giúp đỡ họ. Tháng 2 vừa qua, anh đã giới thiệu 20 lao động vào làm công nhân trong công ty cao su, nhờ đó, nhà nào cũng có thu nhập ổn định. Anh chia sẻ: “Mình may mắn hơn là vào làm công nhân sớm nên đã thoát nghèo, giờ phải có trách nhiệm giúp đỡ các hộ khác có điều kiện vươn lên trong cuộc sống!”. Với suy nghĩ ấy nên từ khi đời sống gia đình khá giả hơn, Kpuih Khốt thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo mua cây giống, phân bón cho cây trồng, đến khi thu hoạch sản phẩm thì trả lại. Đồng thời, anh còn hướng dẫn kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc” để bà con nuôi trồng hiệu quả hơn.
Đời sống người dân dần thay đổi nên trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới vừa qua, xã Ia Kly đã vận động 2 làng Pó và Thung đóng góp 100% vốn để kéo điện về với tổng chiều dài 3km, kinh phí 1,3 tỷ đồng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Luyện, Phó chủ tịch UBND xã Ia Kly cho biết: “Kpuih Khốt là một trong những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi của xã. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Kpuih Khốt còn giúp các hộ khác chăm lo phát triển kinh tế. Có những nhân tố như Kpuih Khốt, chắc chắn quá trình xây dựng nông thôn mới ở Ia Kly sẽ thuận lợi hơn”.
Gia Ly (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã