Không chỉ được nhiều người biết đến về thu tiền tỷ từ nuôi nhím, hươu, nai, ông Trịnh Văn Tiến - Trưởng thôn kiêm Chi hội trưởng ND thôn 12, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình còn được bà con quý mến bởi những việc ông đã và đang làm cho quê hương. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Tiến ôn lại những ngày tháng xây dựng cơ nghiệp.
Ông Trịnh Văn Tiến đang cho đàn hươu ăn. |
Lập trang trại ở thung lũng
Quê ông ở Yên Thái, Yên Mô. Năm 1990, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về quê rồi lấy vợ. Ngày cưới, hai bên nội ngoại đều nghèo nên chẳng có gì cho con làm lưng vốn.
Không cam cảnh cả ngày vợ chồng làm quần quật vẫn không đủ ăn, ông quyết chọn hướng đi mới. Một lần về chơi với bạn ở Nghệ An, ông thấy bà con nuôi nhím, nai, hươu cho hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa. Trở về, ông bàn với vợ hướng mới mà quê ông chưa ai làm: Mở trang trại nuôi nhím, nai, hươu…
Được vợ ủng hộ, sau nhiều ngày tìm nơi dựng trang trại, ông quyết định vào Quèn Thờ- nơi núi bao quanh rất thích hợp với chăn nuôi gia súc. Năm 1993, gia đình ông chuyển hẳn nhà vào Quèn Thờ, bây giờ là thôn 12, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp để xây dựng kinh tế.
Vào nơi ở mới, vợ chồng ông khai hoang, trồng sắn. Vụ đầu tiên, thu được 5 tấn sắn tươi, tiền bán sắn ông mua lợn về nuôi. Cứ thế, "lấy ngắn nuôi dài", có vốn ông về Nghệ An mua giống nhím, hươu… và học hỏi cách nuôi. “Thời gian đầu do chưa nắm được kỹ thuật nuôi, tôi liên tiếp thất bại. Tôi vẫn kiên trì hướng đi mà mình đã chọn”- ông Tiến tâm sự.
Ông đi khắp các tỉnh miền Bắc, nơi nào có trang trại nuôi nhím, hươu, nai... ông đến học hỏi, nghiên cứu. Kiến thức học được, ông về áp dụng vào trang trại của mình và ông đã thành công. Giờ đây, vợ chồng ông đã có cơ nghiệp tiền tỷ. Ông bảo, ông đang tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại nuôi trồng cây, con đặc sản và nông - lâm -thủy sản kết hợp kinh doanh.
Hiện, vợ chồng ông đang sở hữu trang trại 23ha, trong đó 15ha làm nông-lâm-thủy sản và 8ha vùng nguyên liệu thức ăn cho vật nuôi. Thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước, ông đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài. Bình quân mỗi năm, ông cầm chắc trong tay 1 tỷ đồng tiền lãi. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong thôn với lương 3 triệu đồng/người/tháng.
Hướng dẫn bà con cùng làm
Từ thành công của mình, ông vận động các hộ trong thôn xây dựng trang trại nuôi con đặc sản và ông đảm nhận bao tiêu thành phẩm. "Ai thiếu vốn, thiếu giống, chưa biết kỹ thuật, tôi hỗ trợ. Ai nản chí, thất bại, tôi động viên họ làm thành công” - ông Tiến chia sẻ. Với sự góp sức của ông, phong trào làm trang trại ở thôn 12 ngày càng phát triển. Nhờ đó, từ 100% số hộ trong thôn thuộc diện nghèo (năm 2000), nay con số này chỉ còn 13%, nhiều nhà đã có của ăn của để. Đầu năm 2012, ông Tiến được bà con thôn 12 tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn kiêm chi hội trưởng ND thôn 12.
Bà Dương Thị Hiên - Chủ tịch Hội ND xã Đông Sơn
Với nhiệm vụ mới, ông tiếp tục đóng góp cho quê hương với việc thành lập Hội Chăn nuôi cây, con đặc sản. Thôn 1 có 145 hộ, thì chi hội của ông thu hút 100 thành viên tham gia. Ông tâm sự: "Muốn bà con thoát đói nghèo thì phải liên kết họ lại để đồng thuận trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tôi rất vui vì làm được những việc có ích cho quê hương".
Ông Tiến là 1 trong những ND tiêu biểu được về thủ đô dự Hội nghị nông dân SXKD giỏi toàn quốc lần thứ IV vào tháng 5 vừa qua.
Trần Quang (Nguồn:danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã