Được biết, hai người đàn ông Trung Quốc, một thanh niên 27 tuổi và một cụ ông 87 tuổi đã chết sau khi nhiễm phải một chủng vi rút cúm gia cầm mới, chưa từng lây sang người.
Theo cơ quan y tế Trung Quốc, hai người này đã mắc chủng vi rút H7N9 vào tháng hai và chết vào tháng ba sau vài tuần mắc bệnh. Một phụ nữ 35 tuổi ở nước này cũng mắc phải vi rút H7N9 và hiện bệnh rất nặng. Đây là những ca bệnh đầu tiên trên thế giới nhiễm chủng vi rút này.
Cấm vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới phía Bắc để ngăn chặn sự xâm nhiễm của vi rút cúm H7N9
Hiện nay, Trung Quốc và các nước khác chưa sản xuất được vắc xin cúm gia cầm chủng H7N9 để tiêm phòng cho đàn gia cầm và vẫn chưa xác định được khả năng lây lan của loại vi rút này như thế nào.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có công điện khẩn gởi các tỉnh, thành về việc giám sát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Theo đó, để chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm của chủng vi rút cúm gia cầm H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam có hiệu quả, không để dịch bệnh lây cho người và gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh, thành nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua khu vực biên giới.
Đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tổ chức giám sát tại các thôn, bản, khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ lây nhiễm chủng vi rút cúm mới H7N9; vận động người chăn nuôi gia cầm mua gia cầm giống từ các cơ sở uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch; sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm tra thú y.
Ông Trần Ngọc Hữu – Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết: Bộ Y tế đã họp và sắp tới sẽ có văn bản chỉ đạo chính thức các biện pháp phòng chống, giám sát chủng vi rút H7N9 này.
Viện Pasteur TP HCM cũng sẽ quan tâm giám sát để có thể phát hiện kịp thời loại vi rút mới này nếu có lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch giám sát sẽ theo thông báo chung từ Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế.
Trước đây, một chủng cúm gia cầm khác là H5N1 đã lấy đi sinh mạng của hàng trăm người và hàng chục triệu gia cầm từ năm 2003 đến nay.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, hầu hết các vi rút cúm gia cầm không lây nhiễm từ người sang người và đa số các trường hợp mắc H5N1 là do đã tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh.
Mai Phương
Theo petrotimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã