Chúng tôi đến huyện Lắk, một trong những địa bàn khó khăn nhất tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây giao thông đi lại rất khó khăn, có buôn cách trung tâm huyện gần 100km, cũng là vùng có khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân gặp khá nhiều khó khăn, 10/11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau khi được Nhà nước đầu tư phát triển giao thông cùng sự vào cuộc của NHCSXH với các chương trình tín dụng ưu đãi, bà con mới có điều kiện phát triển kinh tế. Chị Phạm Thị Nữ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría vui mừng khoe: “Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Nhờ đồng vốn này mà nhiều gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, chăm sóc, mở rộng diện tích trồng càphê, chăn nuôi, đường liên thôn, xã cũng được đầu tư, mở rộng nên cuộc sống của bà con trong thôn đỡ vất vả hơn nhiều”.
Đơn cử như gia đình chị H Blong Kên, người Ê Đê, thôn Buôn Tría, được vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Với số vốn này, chị đầu tư nuôi 2 bò sinh sản, sau 2 năm chị có thêm 2 con bê, số tiền bán bê chị lại đầu tư trồng càphê, sắn và nuôi heo nái, đây thực sự là đòn bẩy giúp gia đình ngày càng có cuộc sống ổn định. Hiện, gia đình chị Kên đã mua được máy cày đa năng để làm nương, bơm nước, nhờ đó cây càphê phát triển khá tốt, năng suất năm sau cao hơn năm trước; bản thân chị Kên nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các con chị có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn.
Gia đình chị Lý Thị Uyên, người Tày, từ Cao Bằng vào thôn Zyuk La 3, xã Buôn Tría sinh sống. Vốn là hộ nghèo nên gia đình chị được vay 3 chương trình tín dụng của NHCSX gồm: Hộ nghèo, HSSV, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chị xúc động cho biết: “Không có chương trình cho vay HSSV thì tôi không biết lấy đâu ra tiền cho 3 con ăn học, không biết xoay xở thế nào để mua máy cày, phân bón để chăm sóc càphê”. Được biết, vốn vay chương trình HSSV đã giúp hai con chị học xong đại học.
Gia đình ông Nguyễn Văn Yên ở thôn 2B, xã Ea Hleo (huyện Ea Hleo) cũng là hộ gia đình khó khăn vì đông con, khi được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, đã đầu tư nuôi lợn, gà. Ông Yên kể: “Từ năm 2007 - 2009, gia đình tập trung nuôi 4 con lợn nái và “trúng” lớn, chỉ 2 năm đã lãi 200 triệu đồng từ việc bán lợn thịt và lợn giống, từ đó có điều kiện cải tạo hơn 1ha càphê, hồ tiêu. Đến nay, ngoài trả hết nợ ngân hàng, gia đình còn xây được nhà cửa khang trang”.
Ông Nguyễn Từ Ân, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sau 10 năm hoạt động, đưa đồng vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo, NHCSXH Đắk Lắk đã giúp 107.201 hộ thoát nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Trần Việt (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc kiện toàn BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh năm 2025
Báo cáo kết quả công tác tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025