Cơ chế ưu đãi cần tập trung vốn cho các cơ sở sản xuất gắn với tiêu dùng nhằm mang lại lợi ích cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ.
CôngThương - Hỗ trợ tới 10% tổng vốn của dự án
Ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định 61/2010/NĐ-CP (NĐ 61) về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đến nay, mới chỉ có 9 tỉnh cấp giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, mới có 42 dự án của 42 DN trong tổng số 25.760 DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi đầu tư, với mức ưu đãi rất hạn chế.
Để thay thế NĐ 61, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho Nghị định khuyến khích DN, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo Dự thảo Nghị định, sẽ chỉ còn 15 lĩnh vực nông nghiệp thuộc danh mục ưu đãi đầu tư (theo NĐ 61 là 28 lĩnh vực). Tuy nhiên, mức ưu đãi lại lớn hơn rất nhiều.
Cụ thể, DN được hỗ trợ kinh phí tương đương 50% thuế phải nộp cho ngân sách để chi phí quảng cáo cho DN và sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; được hỗ trợ kinh phí tương đương 30% tổng thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước để chi cho công tác tham gia triển lãm, hội chợ, không quá 100 triệu đồng/năm. DN được hỗ trợ xây dựng thương hiệu với mức 200.000 đồng/tấn với rau, quả, thịt sạch. DN được sử dụng 10% thuế phải nộp cho ngân sách hàng năm để đầu tư áp dụng khoa học công nghệ…
“Theo Dự thảo Nghị định, mức hỗ trợ của Nhà nước sẽ ở khoảng 10% tổng nguồn vốn của dự án. Đối tượng nhận được ưu đãi này là các DN trong nước. Đặc biệt, DN sẽ được hưởng những ưu đãi trực tiếp từ ngân sách nhà nước mà không bị áp dụng cơ chế xin - cho như NĐ 61”, ông Đinh Ngọc Minh cho biết.
Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Vinafo (Lạc Thủy, Hòa Bình) nhận xét: “So với chính sách ưu đãi cũ, Dự thảo Nghị định rất hấp dẫn, tạo được niềm tin để DN mạnh dạn đầu tư, đặc biệt là giúp DN chủ động hơn trong cơ chế tài chính”.
Doanh nghiệp FDI lọt sổ
Theo Dự thảo Nghị định khuyến khích DN, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đối tượng thụ hưởng những ưu đãi này là các DN trong nước, DN FDI hoàn toàn không được hưởng những chính sách ưu đãi này. Tuy nhiên, quy định này gây nên nhiều tranh cãi.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, nguyên Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Nếu nghị định quy định đối tượng được hưởng ưu đãi chỉ là DN trong nước là phân biệt đối xử, không đúng tinh thần của Luật Đầu tư năm 2005. Chưa kể, những năm gần đây, vốn FDI vào nông nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn FDI của nước ta”.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia cho rằng, nông nghiệp đóng góp tới hơn 20% GDP, nhưng tổng vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp nhiều năm qua chỉ hơn 6%. Trong đó, vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Vì vậy, rất cần thiết có chính sách thu hút đầu tư FDI.
Trả lời ý kiến này, ông Đinh Ngọc Minh cho rằng, hiện ngân sách nhà nước có giới hạn. Vì vậy, nếu ưu đãi cả các DN FDI, thì ngân sách nhà nước sẽ không kham nổi. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, lý do này thiếu thuyết phục. Thực tế, NĐ 61 cũng cho phép DN FDI được hưởng ưu đãi, song sau 2 năm triển khai Nghị định, vẫn chưa có dự án FDI nào đầu tư vào nông nghiệp.
Ngoài vấn đề trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các điều kiện, lĩnh vực được ưu đãi phải phù hợp với đặc thù từng ngành nghề, từng địa phương, tránh hiện tượng ưu đãi cho những ngành có hiệu quả cao (ví dụ dăm gỗ), hoặc hiện tượng trục lợi chính sách. Đơn cử, với sản phẩm rau sạch, ông Đặng Viết Thuần. Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, chỉ nên hỗ trợ cơ sở sản xuất gắn với tiêu thụ để kiểm soát nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu thụ…
Tuy nhiên, về cơ bản, đa phần các ý kiến đều tán thành định hướng tăng ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông khẳng định: “Chúng ta đừng nghĩ chi ra mỗi năm 5.000 tỷ đồng để ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp là gây thất thu ngân sách. Đây là cách đầu tư cho tương lai. Theo tính toán, từ nguồn vốn đầu tư này, DN sẽ có lực để phát triển, khi đó, ngân sách nhà nước sẽ thu được 9.500 tỷ đồng/năm”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã