Lão thương binh "gàn" hiến đất xây dựng nông thôn mới
Con đường dẫn vào nhà "lão khùng" Nguyễn Văn Chương (SN 1963, trú xóm 7, xã Nghi Liên, Tp Vinh, Nghệ An) thẳng tắp, rộng thênh thang. "Lão khùng" cà nhắc cái chân gỗ ra cổng đón khách, cười một cách mãn nguyện. Chân trái của ông đã để lại chiến trường nước bạn Campuchia, giờ được gắn chân gỗ thay thế. Chân cao chân thấp, lắm lúc chân lành không trụ vững, ngã lăn quay ra đường, “lão khùng” lại lồm cồm bò dậy rồi bước tiếp.
Năm 1984, Nguyễn Văn Chương nhập ngũ, phiên chế vào Đại đội 11, Tiểu đoàn 812, Sư đoàn 309, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Một lần gặp ổ phục kích, chân trái của ông bị mìn xé nát đến bẹn, một mảnh đạn găm vào đầu. Trở về Việt Nam, ông Chương được chuyển đến Đoàn an dưỡng 200, Quân khu 4 (đóng tại Nghĩa Đàn). Thương binh nặng, mất hoàn toàn khả năng lao động, ông cứ nghĩ cuộc đời còn lại của mình sẽ ở lại đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng thương binh này. Nhưng cũng chính nơi đây, ông nên duyên với điều dưỡng Lê Thị Duyên.
Năm 1989, hai vợ chồng dắt díu nhau về quê chồng sinh sống. Trên mảnh đất bố mẹ chồng cho, một tay bà Duyên làm lụng chăm chồng, nuôi 4 đứa con. Ngoài số tiền hơn 5 triệu đồng chế độ thương binh và chăm sóc, phục vụ, bà Duyên phải chạy chợ để thêm vào bữa ăn 6 con người trong nhà. Nhìn vào cơ ngơi hiện tại, đủ biết người phụ nữ này đã phải bươn chải, vất vả đến như thế nào.
Nhắc đến các chuyện hiến đất làm đường, bà Duyên không dấu hết nỗi buồn. “Hiến cả trăm rưỡi mét vuông đất mà ông ấy chẳng bàn với vợ con câu nào. Tôi đi chợ về thấy vườn tược tan hoang chả hiểu chuyện gì xảy ra. Ờ thì hiến đất làm đường cũng được nhưng giá ông ấy bàn với vợ con một tiếng cho phải thì tôi đỡ sốc hơn”. Người phụ nữ lường trước khó khăn khi lấy một người thương binh nặng làm chồng tất nhiên cũng chẳng hẹp hòi gì dăm chục, thậm chí cả trăm mét đất nhưng có lẽ, công sức bà bỏ ra để chèo lái gia đình, dựng nhà dựng cửa, bà thấy tổn thương khi chồng hiến đất mà mình không hay biết?
Ông Chương cười hề hề: “Bà ấy cằn nhằn mãi nhưng giờ thì thông rồi. Mình hi sinh một chút lợi ích nhưng làng xóm có con đường rộng rãi, bằng phẳng, thẳng thớm mà đi, con cháu mình cũng được hưởng lợi chứ đâu. Hôm tôi quyết định hiến đất, cả làng bảo tôi là gàn, là khùng, là tâm thần. Là người lính, máu xương không tiếc thì tiếc gì mấy thước đất?”.
Đó là vào năm 2013, khi chủ trương làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới được triển khai, UBND xã Nghi Liên vận động người dân hiến đất làm đường. Con đường chạy dọc xóm 7 dự định mở rộng từ 5m lên 7m. Năm đó, giá đất ở Tp Vinh đang lên cơn sốt, việc vận động người dân hiến đất quả thực là rất khó.
Nhiều cuộc họp được mở ra nhưng không thấy ai đồng ý hiến đất. Một phần vì đất đai, một phần vì tiếc cây cối trong lâu năm trên đó không được đền bù. Ông thương binh Nguyễn Văn Chương đứng dậy xung phong hiến đất. Mọi người xôn xao bàn tán. Đến giờ ông vẫn thừa nhận là khi đó mình hơi “liều” vì không bàn bạc gì với vợ đã quyết.
Ngày hôm sau, một cuộc hiến đất “tiền trảm hậu tấu” diễn ra. Khi bà Duyên trở về thì đoạn đất vườn cùng ao tiếp giáp với con đường của xóm đã được san phẳng phục vụ cho việc mở đường. Tính ra ông Chương đã hiến 155m2 đất nhà mình, với giá đất thời điểm đó cộng với địa thế như vậy cũng có giá ít nhất là hơn nửa tỷ đồng. Ngay sau khi ông Chương cho phá tường rào, lấp ao làm đường, nhiều hộ dân khác trong xóm cũng tình huyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Những phân vân của bà Duyên cũng tan biến khi con đường bê tông rộng 7m, thẳng tắp chạy trước nhà.
Nguyễn Công Hà – Chủ tịch UBND xã Nghi Liên cho biết: “Thời điểm đó việc vận động người dân hiến đất làm đường rất khó. Ông Nguyễn Văn Chương là người “nổ phát súng” khơi thông sự bế tắc, sau đó nhiều người dân khác noi theo. Chỉ trong một thời gian ngắn, những con đường giao thông nông thôn bằng bê tông rộng 7m khắp cả xã được hình thành. Sự chung sức đồng lòng của người dân cũng như sự cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương đã tạo nên thành quả lớn khi năm 2014 xã Nghi Liên đạt 19/19 tiêu chí và được công nhân là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của thành phố Vinh”.
Tôi cứ ấn tượng mãi nụ cười có phần kiêu bạc của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương: “Máu xương không tiếc thì tiếc gì mấy thước đất”. “Mấy thước đất” của ông ở thời điểm đó có giá trị lên đến nửa tỷ đồng chứ chẳng ít, bằng cả gia tài của người ta thế mà “lão gàn” vẫn cười nhẹ tênh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã