Đã bao năm nay người dân hai xã Đại An, Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) phải chịu cảnh chèo ghe và đi cầu tre qua sông Vu Gia để làm đồng. Giờ đây, niềm mơ ước bấy lâu về một cây cầu nối đôi bờ Vu Gia đã thành hiện thực nhờ tấm lòng của một nông dân. Người nông dân có tấm lòng đáng quý đó là anh Lê Tất Dũng (48 tuổi), trú thôn Phú Lộc, xã Đại An.
Ở nhà tạm để làm cầu
Anh Dũng kể: “Tôi sinh ra và lớn lên tại đây nên tôi thấu hiểu sự cực khổ của người nông dân quê mình khi không có cây cầu bắc qua sông. Hàng ngày, bà con và các cháu học sinh phải đi qua một cây cầu tre tạm bợ rất nguy hiểm. Mỗi lần nước lớn, cầu trôi mất, bà con phải chèo ghe đưa các cháu học sinh qua sông đi học. Nhiều lần chứng kiến cảnh người dân đi xe máy qua cầu rớt xuống sông, tôi thấy xót lòng. Vì thế tôi nung nấu quyết tâm làm một cây cầu cho người dân đi lại”.
Anh Lê Tất Dũng trên cầu phao mới khánh thành. |
Sau nhiều năm lao động, anh Dũng dành dụm được một số tiền. Gia đình giục anh cất một ngôi nhà kiên cố để ở vì nhà hiện tại quá tạm bợ, song anh quyết dùng số tiền này để làm cầu. Hơn 2 tháng miệt mài thi công, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, anh Dũng và một số bà con trong thôn hàn sắt, gắn phao, bắt cáp, đóng ván… Và, ngày 21.1, cây cầu phao của anh Dũng đã hoàn thành trong sự vui mừng của người dân. Cây cầu bắc qua sông Vu Gia (đoạn chảy qua thôn Phú Lộc và thôn 10 của hai xã Đại An và Đại Cường) có chiều dài 78m, rộng 2m, tải trọng 750kg. Vật tư làm cầu gồm 146 thùng phuy, 20m3 bê tông đổ 2 trụ neo, 1,8 tấn sắt, 4m3 gỗ để làm ván lót mặt cầu, 300m dây cáp, 200kg sắt và một tời để kéo cho ghe thuyền lưu thông. Tổng kinh phí đầu tư làm cầu hơn 300 triệu đồng.
Nối đôi bờ vui
Ông Nguyễn Văn May-Trưởng thôn Phú Lộc, cho hay: Người dân thôn Phú Lộc, Nghĩa Nam (Đại An) và một phần của thị trấn Ái Nghĩa từ nhiều năm nay đi làm đồng và qua lại bên kia sông bằng cầu tre nên khá vất vả. Khi anh Dũng trình bày ý tưởng làm cầu phao, chính quyền địa phương và bà con trong vùng rất ủng hộ. Nhưng cũng có người băn khoăn, bởi gia đình anh Dũng còn lắm khó khăn.
Ông Ngô Văn Nam
“Tổng số tiền đầu tư cho cây cầu phao này là hơn 300 triệu đồng, trong đó anh Dũng và các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 280 triệu đồng, số còn lại do các cấp, chính quyền địa phương và UBND huyện Đại Lộc hỗ trợ thêm” - ông May cho hay.
Ông Ngô Văn Nam ở thôn Nghĩa Nam, phấn khởi: Có cầu rồi, chúng tôi đi lại thuận lợi hơn. Lúc trước, cầu bằng tre, đi lại rất dễ té, nhiều người gánh phân với giống qua sông bị lọt chân xuống sông rất nguy hiểm. Bây giờ thì yên tâm rồi. Tấm lòng của anh Dũng, bà con chúng tôi không bao giờ quên.
“Làm được cây cầu cho bà con và các cháu học sinh đi, tôi vui lắm. Tuy nhiên, cầu chưa hoàn thiện mà số tiền dành dụm bấy lâu nay của tôi đã hết rồi. Bây giờ tôi cần 150 triệu đồng nữa để tiếp tục gia cố thêm bê tông ở hai đầu cầu cho người dân đi lại dễ dàng và giữ cho cầu không bị nước sông làm sạt lở. Tôi không biết tìm ở đâu. Phải chi có nhà hảo tâm nào tài trợ thì tốt biết mấy!” - anh Dũng tâm sự.
Sưu tầm: Minh Tâm
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã