Sốt cao trên 39 độ, thuốc hạ sốt không đáp ứng được, sốt kéo dài trên 5 ngày thì nên đưa trẻ đến bệnh viện
Mầm bệnh bùng phát khi thời tiết nồm ẩm
Thời tiết cuối thu đầu đông luôn là thời điểm virus phát triển mạnh. Đặc biệt, những hôm lắc rắc mưa, trời nồm ẩm, các mầm bệnh càng có cơ hội bùng phát. Trẻ nhỏ, với sức đề kháng yếu luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trẻ có thể mắc rất nhiều bệnh cơ hội như viêm phế quản, thanh quản, viêm tai giữa…, trong đó điển hình nhất là sốt virus.
Sốt virus tuy không phải là bệnh quá nguy hiểm, thế nhưng nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ như viêm phổi, trụy tim… Biến chứng nguy hiểm nhất của sốt virus thường xảy ra ở tế bào não, khiến nhiều trẻ bị hôn mê, co giật và nhiều di chứng nặng nề khác. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thì sốt virus có những triệu chứng điển hình là trẻ đột ngột bị sốt, có thể kèm theo các biểu hiện khác như ho, chảy mũi, rối loạn tiêu hóa… Nếu sốt cao, trẻ có thể kèm theo các triệu chứng như đau các cơ bắp, mình mẩy, đau đầu, phát ban, mắt nhìn mờ. Ngoài ra, bé cũng có thể bị nôn nhiều lần, nhất là sau khi ăn.
Điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng nhất khi con bị sốt virus đó là thân nhiệt khó hạ. Thông thường, ngay sau khi uống thuốc hạ sốt, thân nhiệt trẻ có thể giảm, nhưng chỉ thời gian ngắn sau là các bé lại sốt cao trở lại. Lúc này, nhiều cha mẹ vội vã cho con dùng kháng sinh, mà không biết rằng việc này khiến cơ thể trẻ mệt mỏi hơn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, virus không phải là một tế bào hoàn chỉnh. Nó chỉ sống ký sinh trên các tế bào của chúng ta, thế nên kháng sinh không có tác dụng với virus. Dùng kháng sinh trong trường hợp này thậm chí còn khiến thời gian điều trị bệnh kéo dài, do mầm bệnh không được tiêu diệt. Ngoài ra, cơ thể trẻ sẽ mệt mỏi hơn do các tác dụng phụ của khách sinh như tiêu chảy, chán ăn... Đặc biệt, tình trạng kháng thuốc còn khiến trẻ dễ ốm hơn và khó chữa hơn ở những lần mắc bệnh sau.
Theo dõi các triệu chứng kết hợp với chăm sóc cơ thể
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, khi sốt virus, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi và ổn định thân nhiệt cho bé, điều trị triệu chứng kết hợp với chăm sóc để phục hồi cơ thể. Ngoài hạ sốt bằng thuốc, bạn có thể chườm nóng để giảm bớt thân nhiệt của trẻ.
Về dinh dưỡng, hãy cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, vừa dễ tiêu hóa, vừa dễ nuốt. Thức ăn cũng cần làm ấm để dễ nuốt hơn. Đặc biệt, để cơ thể trẻ có thêm nhiều vitamin và khoáng chất, giúp trẻ mau khỏi bệnh, bạn cũng đừng quên cho con ăn nhiều trái cây và nước hoa quả. Các loại nước, hoa quả như cam, chanh, kiwi… giàu vitamin C, sẽ giúp trẻ tăng cường đề kháng, tốt cho hệ miễn dịch.
Khi chăm sóc trẻ bị sốt virus nói riêng và cảm sốt nói chung, bạn cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bù nước của trẻ. Sốt cao làm lượng nước trong cơ thể mất đi nhiều qua tuyến mồ hôi. Thế nên, nếu không được bù nước, cơ thể trẻ dễ bị thiếu hụt, dẫn tới nhiều hậu quả không muốn như: hạ kali máu, hôn mê… Loại nước phù hợp nhất lúc này là các loại nước điện giải như oresol, hydrid…. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín, còn phòng của bé nằm thì cần phải thông thoáng.
Chúng ta cũng nên theo dõi bé thường xuyên, nếu thấy bé sốt cao trên 39 độ mà thuốc hạ sốt không đáp ứng được, bé lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày thì nên đến bệnh viện.
Theo ANTĐ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã