Bẩn sạch khó phân biệt
Rau ngót, một loại rau ăn lá dễ trồng thường được nghĩ là an toàn nhưng mới đây, qua kiểm tra 25 mẫu rau ngót lấy từ các chợ tại Hà Nội và TP.HCM, cục Bảo vệ thực vật (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã phát hiện ra bảy mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép và tám mẫu vẫn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật dù dưới ngưỡng cho phép. Ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng cục Bảo vệ thực vật cho rằng, đây là loại rau hầu như được sử dụng hàng ngày nhưng lại có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều loại rau ăn lá, rau ăn quả và thậm chí là ăn củ cũng trong tình trạng tương tự. Người tiêu dùng dè dặt khi mua rau muống, rau cần, rau cải… và các loại củ quả như: đậu, dưa chuột (dưa leo)… vì lo ngại nhiễm độc. Cách cơ bản được sử dụng là chọn những loại rau quả không đẹp mã, trông không xanh nõn mà có thể hơi già và có sâu. Tuy vậy, đây cũng chỉ là cách tự vệ thông thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được loại nào không nhiễm độc khi thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường.
Ngày 8.7 vừa qua, cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã công bố kết quả kiểm tra trong sáu tháng đầu năm ở gần 7.000 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm thuỷ sản tại 30 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy có tới 1.126 cơ sở vi phạm, chiếm 16,14%. Trong 841 mẫu nông sản nguồn gốc thực vật có 33 mẫu vi phạm về chỉ tiêu vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng… Trong gần 1.500 mẫu nguồn gốc từ động vật có 151 mẫu vi phạm. Đối với thuỷ sản cũng có 44 mẫu trong tổng số hơn 1.200 mẫu được kiểm tra bị phát hiện vi phạm các chỉ tiêu.
Người tiêu dùng không thể phân biệt được loại nào không nhiễm độc khi thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường. |
Sản xuất và cung ứng theo chuỗi: chờ!
An toàn từ trang trại đến bàn ăn là cụm từ được nhắc đến trong nhiều năm nay. Để đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm, việc quản lý chặt chẽ từ nuôi trồng đến chế biến, sử dụng các loại thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu… đảm bảo an toàn là điều bắt buộc. Những lô hàng rau quả bị dừng nhập khẩu vào châu Âu, thuỷ sản bị dừng nhập vào Nhật Bản và một số thị trường khác cho thấy người dân cần được bảo vệ theo cách như vậy. Tuy nhiên ở Việt Nam, nông sản xuất đi các nước thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhưng nông sản tiêu thụ trong nước thì không được quản lý chặt chẽ về chất lượng an toàn thực phẩm.
Hiện nay, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng một đề án phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trong đó đảm bảo chất lượng từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ. Đây được xem là giải pháp tận gốc để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản. Tổng kinh phí của việc thực hiện thí điểm và triển khai mô hình từ năm 2013 – 2020 là 353,5 tỉ đồng.
Theo bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, chỉ khi triển khai các chuỗi cung cấp như vậy, việc giám sát chất lượng mới được thực hiện chặt chẽ. Trong đó, việc quan trọng nhất là xây dựng các mô hình chuẩn về cung cấp thực phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật và thuỷ sản, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình này hoạt động tốt và sau đó triển khai rộng mô hình này (giai đoạn 2016 – 2020). Tuy nhiên, tới nay dù những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nóng bỏng, nhưng đề án trên vẫn đang được xin ý kiến dù đã hết quý 2 năm 2013.
LÊ PHƯỢNG
theo sgtt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã