Ăn nhiều mỳ tôm dễ bị ung thư
Mì tôm hay mì ăn liền vốn là món ăn thay thế ngũ cốc phổ biến, tiện dụng và kinh tế đối với nhiều gia đình. Chính vì vậy, sản phẩm mì ăn liền đang trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất trên thị trường hiện nay.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp thực phẩm và nông thôn Hàn Quốc, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 55,1 gói mì ăn liền một năm, đứng thứ hai thế giới, sau Hàn Quốc với 76 gói.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, nếu lạm dụng ăn nhiều mì tôm, sản phẩm này sẽ rất độc hại cho sức khỏe người dùng.
Trong thành phần mì ăn liền chủ yếu là bột và rất nhiều chất béo bão hòa, nhất là chất béo chuyển hóa (transfat) do được tạo ra khi chiên trong các loại dầu ăn rồi sấy khô.
“Tác hại của mì ăn liền chủ yếu ở chất béo transfat, ăn nhiều nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch,…
Đặc biệt, chất béo này gây rối loạn chuyển hóa có khả năng gây ung thư” – bác sĩ Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho PV Chất lượng Việt Nam biết.
Lạm dụng mì ăn liền: Dễ bị cao huyết áp, mắc bệnh tim mạch.
Thêm vào đó, bác sĩ Hải cũng khuyến cáo: Mì ăn liền rất mặn, sự dư thừa muối do ăn nhiều cũng dễ nguy cơ cao huyết áp, tim mạch. Ngoài ra, có thể tổn thương chức năng thận và dễ tạo sỏi thận.
Khi ăn cần bỏ bớt gia vị, nhất là không nên dùng gói mỡ kèm theo bên trong sản phẩm, vì gói mỡ đó có mùi khét, "chất béo không tốt" này dễ gây nên thừa cân, béo phì, béo bụng, bệnh tim mạch.
Đồng thời, trước khi ăn, người dùng cũng nên lưu ý: Phải trần nước sôi, bỏ bớt lớp mỡ béo bên ngoài bởi vốn dĩ, mì ăn liền được chế biến theo phương pháp chiên, tích nhiều dầu mỡ gây béo.
Mặc dù vậy, thành phần của mì tôm lại chủ yếu là tinh bột và mỡ, do đó, để đủ vi chất, người ăn mì phải cho thêm rau, bổ sung thêm thịt.
“Nếu chỉ ăn mì không sẽ gây thiếu vi chất dinh dưỡng vì nếu không cho rau, cho thịt vào thì không có chất đạm, vitamin và khoáng chất. Lâu dài, sẽ không cân đối về mặt dinh dưỡng” - bác sĩ Hải khuyên.
Cũng theo bác sĩ Hải, việc ăn mì ăn liền ngày qua ngày dẫn đến có nguy cơ bị ung thư cao, nhất là ung thư hệ tiêu hóa do thiếu chất xơ và rau xanh.
Ăn cơm nguội: Có sợ chết vì ung thư dạ dày?
Thời gian gần đây, rất nhiều thông tin cho rằng việc ăn cơm nguội hâm nóng lại có thể gây ngộ độc, ung thư cho người sử dụng khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Lý do là trong cơm hoặc gạo có thể chứa các bào tử của Bacillus cereus, một vi khuẩn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Mặc dù cơm đã được nấu chín nhưng vi khuẩn này vẫn có thể sống sót.
Có nhiều tin đồn về việc ăn cơm nguội gây ung thư. Ảnh minh họa.
Sau khi ăn cơm, số cơm còn lại để ở nhiệt độ phòng có thể giúp bào tử phát triển thành vi khuẩn. Các vi khuẩn này sẽ nhân lên và có thể sản xuất ra các chất độc gây nôn và tiêu chảy.
Cơm càng để lâu ở nhiệt độ phòng thì càng có nhiều khả năng không an toàn do nhiễm vi khuẩn hoặc nội độc tố.
Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện với PV Chất lượng Việt Nam, Ths.Bs. Lê Thị Hải – Nguyên Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia đã phải than thở: “Cứ nói cơm nguội gây ung thư nhưng hàng ngày, tôi vẫn ăn cơm nguội thường xuyên”, thậm chí, “có người cả tuần nấu cơm đúng 1 lần, để cơm hộp trong tủ lạnh, mỗi lần đi làm về cho cơm vào lò vi sóng, hâm nóng lên ăn. Tôi thấy có sao đâu!” – BS.Hải nói.
Trao đổi với PV, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng công tác tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước thông tin này. Theo BS Hưng chia sẻ: “Từ bao đời nay, ông cha ta vẫn ăn cơm nguội nhưng làm gì có ai bị ung thư? Người Việt có thói quen ăn cơm nguội hâm nóng, song thực tế cho đến nay y học Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư vì ăn cơm nguội hâm nóng".
Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng người dân cần lưu ý cách bảo quản cơm nguội đúng cách. Dù ăn cơm nguội không gây ung thư nhưng lời khuyên dành cho các gia đình trong mỗi bữa ăn là không nên nấu thừa cơm. Ngoài ra, không nên dùng tủ lạnh bảo quản cơm quá 24 giờ, đồng thời không nên hâm nóng cơm quá 2 lần, bởi quá trình hâm nóng sẽ làm mất hết chất trong cơm.
Không ăn rau xanh, người Việt đang tự hại mình
Việt Nam là một nước nhiệt đới, rau rất phong phú nhưng thật lạ, có tới 57% người trưởng thành thiếu rau xanh và trái cây. So với khuyến cáo của WHO là 400g/ngày nhưng người Việt lại thiếu rau xanh với tỷ lệ: Nam giới 63% và nữ giới là 51%.
Bữa cơm thiếu rau xanh, trái cây trở thành vấn nạn gây nên nhiều bệnh khác nhau, nhất là các bệnh lý về ung thư đường tiêu hóa, tim mạch cũng như bệnh tiểu đường.
Ít ăn rau xanh, người Việt dễ mắc nhiều bệnh lý tim mạch.
Thói quen này chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý ung thư, tim mạch ở Việt Nam tăng cao so hơn với trước. Các bệnh này chiếm 2/3 số ca tử vong trên cả nước và là gánh nặng với ngành y.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc huyết áp, 2,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản.
Con số bệnh nhân ung thư được cập nhật mỗi năm khoảng 125 nghìn người mắc mới. Dự báo tới năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này mỗi năm. Số người chết hàng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trung bình do ung thư trên thế giới là 59,7%.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến năm 2015 đã có 6 bệnh viện ung bướu và 50 trung tâm, khoa và đơn vị ung bướu, nhưng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu điều trị.
Tăng huyết áp là bệnh hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khiến hàng trăm ngàn người tàn phế, mất sức lao động mỗi năm. Đái tháo đường là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong khi có các biến chứng suy thận, thần kinh, viêm loét chân thậm chí phải cắt bỏ chân vì đái tháo đường.
Các nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm trên chưa được xác định cụ thể nhưng các bác sỹ đã đưa ra được các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như do lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, ít vận động.
theo VietQ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã