Na có mùi vị thơm ngon đặc biệt, thịt quả mềm ngọt được nhiều người ưa thích. Na có tác dụng bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Na có tác dụng bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Trong na dồi dào vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates, một số vitamin và khoáng chất thiết yếu rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Quả na chứa tới 72% glucose, 14,52% sacc-harose, 1,73% tinh bột, 2,7% protid. Tuy nhiên, với những đặc tính của quả na, khi ăn cần lưu ý những điều sau đây:
Ăn nhiều na dễ mọc mụn, táo bón
Ăn nhiều na gây nóng trong cho cơ thể do lượng đường trong na khá lớn. Nếu ăn vài quả na một lúc có thể khiến da bị nổi mụn thậm chí bị táo bón. Do đó, chúng ta nên lưu ý khi ăn na không nên ăn quá nhiều.
Không cắn vỡ hạt na khi ăn
Theo y học cổ truyền, hạt của quả na được dùng để làm thuốc diệt côn trùng, chấy rận hiệu quả nhưng lại có độc tố rất cao. Vì vậy khi ăn nên cẩn thận, nếu cắn vỡ hạt na thì độc tố trong nhân hạt rất dễ phát huy tác dụng, gây hại cho cơ thể.
Quả na thường dễ có giòi
Với những quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, ở các vết đó có dấu hiệu chảy nước thì tuyệt đối không nên ăn vì có thể bị côn trùng độc bò vào.
Đặc biệt những quả na có mắt đã thâm đen, vỏ cứng, ăn sẽ không ngon, vị ủng hoặc đa số là có giòi và có thể nhiễm khuẩn, dễ gây ngộ độc.
Ăn na chín nửa chừng
Ăn na chín nửa chừng có thể gây táo bón.
Quả na chín nửa chừng chứa nhiều chất tannin. Tannin trong quả na chín nửa chừng kết hợp với thức ăn tạo nên những hợp chất có tính loại trừ khiến hệ thống tiêu hóa bị ứ đọng, thức ăn khó được hấp thụ, tăng nguyên nhân gây táo bón, và nguy cơ tích trữ các chất có hại cho cơ thể.
Đồng thời, nếu chúng ta vô tình ăn na ương khi uống thuốc, tác dụng của thuốc có thể bị hạn chế và gây hại cho gan. Do đó, khi ăn quả na, chỉ nên chọn những quả đã chín, tránh nóng vội ăn na ương./.