|
Đặc biệt, thực phẩm này còn có nhiều acid amin thiết yếu như valin, tyrosin, trytophan... và các chất khoáng, nhất là canxi (40mg) và phospho (109mg). Một số nghiên cứu cho thấy 1kg nhộng tằm tươi có lượng protein tương đương với 2,8kg trứng gà. Hàm lượng protid trong bột nhộng tằm cao tới 73,5%, gồm nhiều acid amin quan trọng như leucin, isoleucin, lysin, threonin, cystein, phenylalanin, tyrosin, valin, arginin, alanin, glycin, serin… tương đương với các loại protein động vật khác.
Đông y cho rằng khi dùng nhộng tằm, thường người ta dùng nguyên con, và vì nguyên con nên nhộng có đầy đủ nguyên khí, có tính bổ dưỡng cao.
Nhộng tằm có hàm lượng đạm rất phong phú, lại là thứ đạm dễ tiêu hóa. Chất béo của nó cũng không ít, vì vậy xét về mặt dinh dưỡng, nó rất thích hợp để làm món ăn.
Hỗ trợ trẻ em mau lớn: trẻ em ăn nhộng tằm rất tốt vì canxi và phospho trong nhộng rất cần cho cơ thể đang lớn của trẻ chống còi xương.
Trị phong thấp, đau nhức khớp xương, tê bại: khi nhắc đến nhộng tằm, hầu như người ta chỉ nhắc đến yếu tố bổ dưỡng do con nhộng tằm đem lại, thế nhưng, ít người biết rằng nhộng tằm còn được dùng đối với chứng phong thấp, đau nhức khớp xương.
Sách Trung dược học ghi chép là con nhộng tằm đem xào ăn, có thể trị phong.
Dân gian từ lâu đã biết nhộng tằm có công dụng trị phong, cho nên khi thấy tứ chi, gân cốt bị phong, nhức mỏi, tê, hoặc bị chứng đầu phong, chóng mặt, người ta thường dùng nhộng tằm nấu với rượu để ăn chữa bệnh. Người không ăn được nhộng tằm, dùng nó nấu với rượu, rồi lấy rượu đó xoa bóp, cũng có hiệu quả trừ phong, trừ đau nhức rất tốt.
Trước đây, ở một số vùng nông thôn, người ta thường trồng dâu để lấy tơ dệt lụa. Tuy nhiên, nông dân nên họ thường họ kết hợp với công việc ruộng đồng vì vậy nông dân phải làm việc cực nhọc suốt năm. Nhất là khi tằm ăn lên, họ phải làm việc cật lực suốt đêm ngày để hái dâu. Ban ngày thì bị nắng nóng (ngoài đồng ruộng), ban đêm bị sương lạnh (săn sóc cho tằm), khi ươm tơ, hai tay lại thường bị ướt. Hoàn cảnh và công việc như trên rất dễ bị chứng phong thấp, đau nhức khớp xương… Thế nhưng, có điều khá lý thú là trong những gia đình làm nghề nuôi tằm, trồng dâu, rất ít khi thấy ai bị phong thấp, nhức mỏi, tê bại. Kể cả chứng đầu phong, chóng mặt của phụ nữ cũng rất ít có… Người ta cho rằng, đó là hiệu quả do họ thường ăn nhộng tằm. Vì vậy, tại các địa phương có nuôi tằm, người ta thường nhắc đến câu ngạn ngữ: “Nhà nào có nhộng tằm, suốt năm không sợ thương phong”. Theo Đông y, những bệnh do “phong” gây ra khá nhiều, như chứng tê phong thấp kinh niên, chứng đầu phong chóng mặt, đều là loại bệnh do phong gây ra.
Bồi bổ thận, trị liệt dương, tiểu nhiều: dùng thông thường là cho nhộng vào cháo nóng, nhất là cháo nấu chim sẻ, chim cút (dùng cho người liệt dương, yếu sinh lý); rang nhộng với hành mỡ hay xào nhộng với lá hẹ, mộc nhĩ, ăn với cơm (dùng cho người già yếu). Liều dùng hằng ngày: 50 - 100g chia làm 2 - 3 lần.
Bồi bổ cho người lớn tuổi, thận khí suy yếu: nhộng tằm 200g, hoa hẹ 10g, nước mắm, dầu ăn vừa đủ. Nhộng tằm rửa sạch cho vào nồi, cho nước mắm vừa đủ, đun nhỏ lửa cho tới khi khô, cho dầu ăn vào, bật to lửa và cho hoa hẹ đã rửa sạch vào. Sau đó bắc ra ăn ngay.
Theo Đông y, nhộng tằm có nguyên khí đầy đủ và thận khí vượng, dùng để trị suy nhược cơ thể, già yếu, liệt dương... Hoa hẹ giúp bổ thận, dùng để trị mộng tinh, đau lưng, mỏi gối, đau hai bên hông, nhức mỏi trong chân, lạnh chân; tốt cho tiêu hóa; bổ phổi, tiêu đờm. Hoa hẹ cũng tốt cho các bệnh nhân tiểu són, đi tiểu nhiều lần. Kết hợp nhộng tằm và hoa hẹ với nhau sẽ có tác dụng tốt cho sức khỏe, cả hai đều có tính bồi bổ thận. Đây là bài thuốc bổ thận rất tốt, dễ kiếm và rẻ tiền.
Hỗ trợ trị đái tháo đường: sách Đông dược xưa cho rằng, nhộng tằm có thể trị chứng “bứt rứt” và “làm hết khát nước”. Đông y gọi bệnh đái tháo đường là tiêu khát. Phế nhiệt gây nên khát nước, là một yếu tố thường gặp trong bệnh đái tháo đường, còn bứt rứt là do nhiệt nung đốt trong cơ thể.
Người Nhật Bản khi trị bệnh đái tháo đường dùng nhộng tằm trong toa thuốc.
Lương y HOÀNG DUY TÂN (theo SK-ĐS)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã