Nỗ lực loại thực phẩm bẩn ra khỏi thị trường
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), trong 9 tháng năm 2017, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 8.900 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) với số tiền xử phạt trên 17,7 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, lực lượng QLTT chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong cả nước.
Theo ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT, thực hiện Kế hoạch số 902/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 18/8/2017 của Ban Chỉ đạo trung ương về VSATTP triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2017, ngày 7/9/2017 Cục QLTT đã ban hành công văn yêu cầu chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là kiểm tra đột xuất về ATTP, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung thu, như: rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột và các mặt hàng thực phẩm khác tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…
Lực lượng QLTT cả nước sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm về VSATTP (ảnh báo CT)
Ngay sau khi có chỉ đạo của Cục QLTT, chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng 252 kế hoạch và văn bản chỉ đạo các đội QLTT triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2017, đồng thời tham gia hoặc chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tại các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã theo chỉ đạo của chính quyền địa phương” - ông Ngọc nói và cho biết thêm, ngày 11/9/2017, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 3498/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP (Đoàn số 2) trong dịp Tết Trung thu năm 2017 tại TP. Hà Nội và TP. Hải Phòng.
Đoàn kiểm tra do Cục QLTT chủ trì, thành viên gồm đại diện Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Về kết quả sơ bộ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP trong dịp trung thu vừa qua, Cục QLTT cho biết, chỉ riêng Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP TP. Hà Nội và TP. Hải Phòng đã thành lập 659 đoàn thanh tra, kiểm tra, tổng số cơ sở được kiểm tra là 785. Trong đó, TP. Hà Nội thành lập 657 đoàn (tại tuyến thành phố: thành lập 13 đoàn, tuyến huyện, thị xã: 60 đoàn, tuyến xã, phường: 584 đoàn) còn TP. Hải Phòng thành lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra ở tuyến tỉnh, các tuyến quận, huyện, xã cũng chủ động triển khai các đoàn liên ngành trong dịp Tết Trung thu năm 2017.
Trong khi đó, “Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP (Đoàn số 2) do Cục QLTT chủ trì đã kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội và Hải Phòng” - ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT, Trưởng đoàn số 2 cho biết.
Theo số liệu báo cáo nhanh của một số Chi cục QLTT tại các địa bàn trọng điểm, trong dịp Tết Trung thu 2017, lực lượng QLTT kiểm tra trên 100 vụ, xử phạt 58 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 110 triệu đồng.
TPHCM: Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Trần Vĩnh Tuyến - chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cần tập trung quyết liệt thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, trước mắt, các cơ quan điều tra xác minh đầy đủ vụ 3.750 con heo tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á, đồng thời ngưng không cho phép thịt heo không có thông tin đầy đủ truy xuất nguồn gốc vào chợ đầu mối từ ngày 16/10 tới.
UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngành, đơn vị tập trung thực hiện Đề án quản lý truy xuất nguồn gốc thịt
Thông báo số 774 của UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Công Thương cùng với Công ty Vissan, Satra làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố và các tỉnh lân cận, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ, có chính sách thu mua heo cho các cơ sở, hộ chăn nuôi tại thành phố và các tỉnh đã đăng ký tham gia đề án và thực hiện việc đeo, kích hoạt đầy đủ thông tin vòng nhận diện cho heo khi xuất bán. Chấp thuận về chủ trương tiếp tục hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho các hộ nông dân chăn nuôi heo nhỏ lẻ đã đăng ký tham gia đề án, có thực hiện đeo vòng nhận diện cho heo và kích hoạt đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ 100% chi phí nêu trên cho các tổ hợp tác, hợp tác xã đến hết ngày 31/12/2017.
Giao Sở Công Thương, Ban quản lý An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đề án, tiếp tục tập trung vận động các đối tượng thương nhân, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối tích cực tham gia đề án, hiểu đầy đủ, ủng hộ và tự giác thực hiện. Nghiên cứu các giải pháp công bố trên báo, đài và ngay tại chợ đối với các thương nhân, quầy sạp không nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy định của đề án, cung cấp danh sách thương nhân, thương lái cố tình vi phạm cho Sở Công Thương để phối hợp Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Chi cục QLTT… để tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm.
Giao Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 2 công ty quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm soát, triển khai kiên quyết không cho phép thịt heo không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của đề án được nhập chợ từ ngày 16/10/2017.
Giao Chi Cục quản lý thị trường, Công an thành phố tăng cường phối hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An và các cơ quan chức năng thành phố, địa phương liên quan, đặc biệt là Công an thành phố để tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thương nhân, thương lái thu mua, kinh doanh heo, thịt heo khi đưa vào địa bàn thành phố không có đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế, hóa đơn, chứng từ không hợp lệ, đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bơm nước vào heo.
Giao Sở Thông tin - Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình thành phố tăng cường tuyên truyền, thông tin rộng rãi về đề án đến các đối tượng tham gia và người tiêu dùng thành phố. Giao Sở Công Thương đôn đốc các đơn vị và tổng hợp báo cáo trình UBND TP. Hồ Chí Minh kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2017.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đánh giá, chủ trương thực hiện việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh là xu thế phát triển tất yếu của xã hội, cần tích cực thực hiện để đảm bảo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân. TP. Hồ Chí Minh đi đầu, thí điểm thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo nên chắc chắn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần kiên trì, nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ để người tiêu dùng và các chủ thể tham gia vào chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thịt heo nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của đề án, từ đó tích cực ủng hộ và hưởng ứng tham gia, tự giác thực hiện thì người dân thành phố mới mong có được thực phẩm sạch.
Ngày 4/10, các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 3.750 con heo tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á tại khu xử lý rác Đông Thạnh, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh vì không đảm bảo an toàn thực phẩm, nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ. Hiện tại lò mổ Xuyên Á đã bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Riêng trách nhiệm để xảy ra vụ việc, lãnh đạo Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh yêu cầu 17 nhân viên công tác tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, trong đó có Trạm trưởng Thú y huyện Củ Chi viết giải trình để có căn cứ xử lý trách nhiệm.
Cách nhận biết thịt lợn đã bị tiêm thuốc an thần bằng mắt thường
Về cách nhận diện thịt lợn tiêm thuốc an thần, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức rất khó bằng cảm quan nhận diện được. Các thương lái thường bơm nước kết hợp với tiêm thuốc an thần nên khi bắt gặp các loại thịt ướt, các thớ thịt căng mọng nước thì có khả năng lớn thịt chứa tồn dư của thuốc.
Người tiêu dùng nên lựa chọn mua sản phẩm thịt heo ở những nơi có nguồn gốc rõ r
Để chọn được thịt sạch, an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, các bà nội trợ nên chọn mua thịt lợn ở những cửa hàng uy tín, có đóng dấu đỏ an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng hoặc mua tại những siêu thị lớn, có thương hiệu Khi chọn thịt nên chọn thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ta ấn tay vào và thả ngón tay ra sẽ trở lại bình thường, các thớ thịt đều nhau, không có dịch bất thường nào chảy ra khi thái. Thông thường, thịt có hóa chất, khi chế biến thường ra nhiều nước, thịt hao hơn, vị thịt không đậm và ít có hương vị thơm tự nhiên. Thịt lợn bình thường không bị ra nước, thậm chí có thể nở hơn, có mùi thơm đặc trưng.
Ngoài ra, khi chế biến bà nội trợ lưu ý trần bỏ đi nước đầu. Khi nấu sôi thịt bốc mùi lạ, người tiêu dùng nên kiên quyết đổ bỏ, không nên tiếc kẻo dễ rước bệnh vào người.
Truy tìm kẻ nhập khẩu thịt gà đông lạnh bỏ trốn
Hải quan TP.HCM đang truy tìm giám đốc các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt hàng chục lô thịt gà đông lạnh vì cố tình khai báo giá rất thấp để trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp năm ngoái đã khai báo giá mặt hàng đùi gà, cánh gà chỉ từ 0,1-0,2 USD/kg.
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 74.240.000 kg thịt gà từ Mỹ, Hàn Quốc và Brazil, với kim ngạch gần 55,6 triệu USD (khoảng 259 tỷ đồng). Mức giá mà doanh nghiệp khai báo cho các mặt hàng đùi gà, cánh gà chỉ từ 0,1-1,9 USD/kg.
Thịt gà đong lạnh được các doanh nghiệp nhậu khẩu khai bó mức giá nhập chỉ khoảng 2.000đ/kg
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã khai báo mức giá quá thấp, sau khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan điều chỉnh tăng thuế thì không nộp thuế và bỏ trốn.
Cụ thể, tại Chi cục này có 111 tờ khai báo mặt hàng đùi gà, cánh gà với mức giá từ 0,1-0,2 USD/kg, trọng lượng 4.785.000 kg. Hiện Chi cục đã báo Cục Hải quan TP.HCM doanh nghiệp khai báo giá quá thấp và không nộp thuế sau kiểm tra sau thông quan. Trong đó, 4 doanh nghiệp bỏ trốn đã mất tích, chỉ có một doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động.
Điển hình, chỉ trong 2 tháng (tháng 8 và 9/2016), Công ty TNHH Nguyễn Phụng (17 Hồ Bá Kiện, phường 15, quận 10, TP.HCM) mở 17 tờ khai hải quan nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, gồm: Chân, cánh, đùi gà đông lạnh; khoai tây đông lạnh và chân lợn có xuất xứ từ Úc, Brazil, Ba Lan,... Trên tờ khai hải quan, doanh nghiệp khai báo giá mặt hàng cánh gà đông lạnh, xuất xứ Brazil; đùi gà góc tư, đùi tỏi gà đông lạnh, xuất xứ Úc,... chỉ có giá 0,1 USD (hơn 2.000 đồng)/kg. Tổng số thuế doanh nghiệp nộp cho 17 tờ khai là trên 324 triệu đồng.
Phát hiện giá khai báo bất hợp lý, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đề nghị tham vấn giá, doanh nghiệp không đồng ý, nên cơ quan Hải quan phải giải quyết thông quan theo quy định, đồng thời chuyển hồ sơ cho Đội Quản lý thuế thực hiện kiểm tra sau thông quan. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp này đã đóng mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Theo đại diện Hải quan TP.HCM, những doanh nghiệp cố tình khai báo giá nhập khẩu cực thấp rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh sau khi hàng đã thông quan có dấu hiệu tội trốn thuế. Cục Hải quan TP.HCM đang phối hợp với A84 để truy tìm giám đốc các doanh nghiệp này, điều tra xem phía sau những doanh nghiệp nhập khẩu thịt gà đông lạnh này là ai.
Đắk Nông xử phạt cơ sở ngâm hóa chất sầu riêng
Ngày 4/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Công ty Nghiệp Xuân, địa chỉ xã Đắk Nia, TX.Gia Nghĩa, Đắk Nông) về hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm và tạm đình chỉ hoạt động công ty này trong thời hạn 4 tháng.
Ngoài ra, cũng theo quyết định này buộc tiêu hủy toàn bộ số sầu riêng của công ty đã ngâm hoá chất.
Trước đó, chiều 28/9, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang tại cơ sở thu mua sầu riêng của Công ty Nghiệp Xuân, do bà Lầu Kiều Vân làm Giám đốc, có 7 công nhân đang nhúng sầu riêng vào hóa chất.
Công ty Nghiệp Xuân bị lực lượng chức năng bắt quả tang ngâm sầu riêng vào hóa chất
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện gần 30 tấn sầu riêng trong kho; trong đó có 18 tấn đã được nhúng vào hóa chất chuẩn bị chở đi tiêu thụ, 10 can nhựa, chai lọ (loại 5 lít) đựng dung dịch hóa chất dùng ngâm sầu riêng mang nhãn hiệu: TENSION-T71; m - dkp; Ethe Ploo, 23 kg chất vàng ô (chất cấm sử dụng trong bảo quản, sản xuất chế biến thực phẩm) đã sử dụng gần hết. Ngoài ra, còn có nhiều thùng nhựa chứa đựng nước màu vàng đục, bốc mùi...
Theo lời khai của bà Vân, cơ sở thu mua sầu riêng này hoạt động hơn 1 tháng nay; sầu riêng được thu mua từ các thương lái trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đưa về cho nhúng hóa chất (không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc) rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Bình quân, mỗi ngày cơ sở xuất bán khoảng 10 - 15 tấn sầu riêng.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cần phải triển khai công tác quản lý thị trường, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý thật nghiêm các đơn vị kinh doanh vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã