Hé lộ nguyên nhân "sữa hoàn nguyên" mang tên "sữa tiệt trùng"
Trước nay, việc phân loại sữa dạng lỏng được áp dụng theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010 (QCVN 5-1: 2010/BYT), với 7 loại: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật. Trong số này, khái niệm sữa tiệt trùng vẫn được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi.
Tuy nhiên, theo Codex, quốc tế không có định nghĩa “sữa tiệt trùng” mà chỉ có khái niệm “sữa hoàn nguyên”, “sữa hỗn hợp”. Tuy nhiên, do xuất phát từ lo lắng dùng từ Hán Việt “hoàn nguyên” người tiêu dùng sẽ không hiểu và từ đó e ngại không mua sản phẩm nên từ năm 2010, các chuyên gia soạn thảo QCVN 5-1:2010/BYT đã dùng khái niệm “sữa tiệt trùng”.
Quy trình xử lý nhiệt sữa nguyên liệu để có những dạng sữa với tên gọi sữa bột, sữa tiệt trùng, thanh trùng, hoàn nguyên... |
Đây cũng là cách gọi gây tranh cãi rất nhiều năm qua. Một bên cho rằng tên gọi này không phản ánh đúng bản chất của sản phẩm là sữa hoàn nguyên/pha lại, khiến người dùng lầm tưởng là sữa tươi. Còn một bên cho rằng “sữa tiệt trùng đúng là tiệt trùng thật, chúng tôi có dùng chữ tươi đâu mà sợ hiểu nhầm”.
Ông Trần Hùng, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ phụ trách ngành sữa, Bộ Công Thương bày tỏ: “Doanh nghiệp vì lợi nhuận đang lừa dối người tiêu dùng bằng từ "sữa tiệt trùng". Con bò nói là con bò, dùng sữa bột pha chế lại, gọi lịch sự là "sữa hoàn nguyên", chứ nói thẳng ra bản chất của nó là "sữa pha lại". Nếu anh sợ chữ pha lại người ta tưởng là cơm nguội, cơm thiu thì dùng chữ hoàn nguyên nhưng cần giải thích cho rõ sữa hoàn nguyên là sữa bột nhập về pha lại, chứ không thì có thể đưa vào gian lận thương mại”.
Đồng quan điểm với ông Trần Hùng, bà Thái Hương, chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ: “Từ năm 2010 đến nay, tôi liên tục gửi văn bản lên Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công thương về tên gọi sữa tiệt trùng khiến người ta nhầm lẫn. Phải hành động ngay để bảo vệ người tiêu dùng. Từ trước đến giờ từ "sữa tiệt trùng" bị lạm dụng khá nhiều vì biết rằng người tiêu dùng thích sữa tươi nên ghi sữa tiệt trùng người tiêu dùng tưởng là sữa tươi. Đã đến lúc chúng ta phải trả lại cái tên đúng bản chất sữa trong quy chuẩn mới. Ban hành quy chuẩn mới, ta thấy ngay được cái lợi thứ nhất cho người tiêu dùng, cái lợi thứ hai là kích thích sản xuất trong nước nhờ minh bạch thị trường, các doanh nghiệp sữa được cạnh tranh bình đẳng hơn”.
Sau một thời gian dài tranh cãi, việc bãi bỏ khái niệm “sữa tiệt trùng” để thay bằng hai khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp” đã được Bộ Y tế chốt lại bằng QCVN 5:1-2017/BYT.
"Trả lại tên cho em" và hơn thế nữa
Cùng với việc trả lại tên đúng bản chất cho sữa hoàn nguyên, nhiều chuyên gia cho rằng cũng cần ghi rõ các thành phần sữa trên bao bì.
Bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, khi tư vấn cho người tiêu dùng, bà thường nhận được câu hỏi: sữa tiệt trùng có phải sữa tươi không, muốn chọn cho con loại sữa tốt nhất thì nên chọn loại nào? Theo bà Hợp, QCVN sửa đổi sẽ giúp người tiêu dùng trả lời được câu hỏi thứ nhất. Còn câu hỏi thứ 2, theo đại diện này, bao bì sữa phải rõ từng thành phần dinh dưỡng để người dùng nhìn vào có thể biết ngay sản phẩm có tốt và phù hợp hay không.
Một chuyên gia của Hội Kĩ thuật An toàn thực phẩm cũng mong muốn ghi rõ % các thành phần sữa trên bao bì để khách hàng hiểu rõ sản phẩm mình dùng.
Về việc sửa đổi tên gọi, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, QCVN phải thể hiện đúng bản chất nguyên liệu, đúng theo tinh thần khoa học, thông lệ quốc tế. Thứ trưởng cũng giải thích thêm, trước kia chưa có biện pháp kĩ thuật kiểm tra phân biệt sữa tươi và sữa hoàn nguyên nên rất khó để giám sát. Tuy nhiên, hiện tại, đã có lời giải cho bài toán khó này.
Ông Cường khẳng định, Bộ Y tế sẽ dành thời gian phù hợp để doanh nghiệp chuẩn bị cho việc chuyển đổi. Cụ thể, QCVN đã ban hành nhưng tới tháng 3/2018 mới có hiệu lực, hoàn toàn đủ thời gian cho các DN thay bao bì mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã