Sau 4 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Năm 2009, toàn tỉnh có hơn 2,2 triệu người tham gia BHYT (chiếm 65,4% dân số của tỉnh), đến nay có hơn 2,3 triệu người tham gia BHYT (chiếm khoảng 71% dân số của tỉnh). Tổng thu BHYT tăng từ 535,3 tỷ đồng (năm 2009) lên 1.558,2 tỷ đồng (năm 2012). Quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được bảo đảm theo đúng quy định và phạm vi dịch vụ ngày càng mở rộng theo sự phát triển của tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong y tế. Công tác tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB BHYT được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục trong KCB. Việc mở rộng cơ sở KCB BHYT, nhất là việc tổ chức KCB BHYT tại tuyến xã bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở. Cùng với việc chỉ đạo nâng cao chất lượng KCB, việc triển khai thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo phương thức khoán định suất tại 25/64 đơn vị, đã góp phần giúp các bệnh viện chủ động trong điều hành kinh phí, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí BHYT. Quỹ BHYT được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHYT, năm 2012 quỹ BHYT được cân đối và có kết dư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Quy mô và số lượng người tham gia BHYT chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Toàn tỉnh có trên 2,3 triệu người tham gia BHYT (chiếm 71% dân số toàn tỉnh; trung bình cả nước đạt trên 65%), song phần lớn tập trung ở đối tượng được hỗ trợ 100% BHYT, như: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội... Trong khi đó, đối tượng thuộc nhóm tự nguyện chiếm rất ít, tập trung chủ yếu ở những người thường xuyên ốm đau hoặc mắc các bệnh mãn tính có chi phí chữa trị cao... Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn thấp, nhất là nhóm đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên; tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT thường xảy ra, còn nhiều biểu hiện lạm dụng trong KCB BHYT; tính tuân thủ pháp luật về BHYT chưa cao, ngoài những đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo đảm, tỷ lệ tham gia BHYT người lao động trong các doanh nghiệp, hộ cận nghèo, tự nguyện tham gia BHYT còn thấp. Công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện chính sách BHYT chưa toàn diện nên hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu thông tin về những quy định của Luật BHYT. Vai trò quản lý Nhà nước của UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa phát huy đầy đủ, các chỉ tiêu phát triển BHYT, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là những nguyên nhân dẫn đến nhiều người dân chưa mặn mà với việc tham gia BHYT.
Thực hiện tốt chính sách BHYT chính là góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Để công tác này được mọi người tích cực tham gia đang là bài toán khó đặt ra cho ngành chủ quản và các ngành hữu quan rất nhiều việc phải tập trung thực hiện. Đó là ngành y tế phải hoạch định và xây dựng được một đội ngũ thầy thuốc giỏi, có y đức; nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân danh mục thuốc phải “chữa hết bệnh”; mức đóng BHYT phải phù hợp để mọi người tham gia...; các ngành, các cấp phải tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác tham gia BHYT...
Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Quyết định 538 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 với mục tiêu đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21 với nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, trên 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 85% dân số tham gia BHYT. Cùng với đó là xây dựng hệ thống BHXH, BHYT từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao; quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả và cân đối được các nguồn quỹ BHXH, BHYT... Chương trình hành động của UBND tỉnh cũng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân định nhiệm vụ khá cụ thể cho các các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1-7-2013, BHXH tỉnh đã và đang tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm về chính sách BHYT với chủ đề “Thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân”; đồng thời chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu cho huyện ủy tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 21; đề xuất việc triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 để trình tại kỳ họp HĐND; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về những mục tiêu và đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 đã đặt ra.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã