Học tập đạo đức HCM

Dân đóng góp lập thư viện thôn

Thứ năm - 23/01/2014 09:03

Dân đóng góp lập thư viện thôn

Với 151 hộ dân, trên 600 nhân khẩu, đời sống còn vất vả khó khăn nhưng người thôn Yên Bình (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có truyền thống văn hóa đọc thật đáng nể.
Cách đây 16 năm, người dân trong thôn tự bỏ tiền đóng góp mỗi người một cuốn sách xây dựng thư viện.

Thôn duy nhất có thư viện

Tình cờ trong một lần đi qua thôn Yên Bình vào chiều ngày Chủ nhật chúng tôi bất ngờ với tấm bảng hiệu “Thư viện thôn Yên Bình” trên dãy nhà cấp 4 quét vôi trắng toát nằm giữa cánh đồng. Theo chân tốp học sinh vào bên trong thư viện, chúng tôi quá bất ngờ với chừng khoảng 50 người từ trẻ tới già ngồi lặng thinh trên hai dãy ghế chăm chú đọc những trang sách. 

Ông Phan Xuân Đại (73 tuổi)- thủ thư cho biết: “Thư viện thôn Yên Bình ra đời đến nay đã 16 năm rồi. Và cũng đã thành thông lệ, vào chiều thứ Năm và ngày Chủ nhật hàng tuần, thư viện chúng tôi mở cửa cho bà con nhân dân trong thôn đến đọc sách, báo”. Theo ông Đại, mấy hôm nay người dân bắt đầu làm đất để gieo cấy vụ đông xuân nên bạn đọc đến thư viện ít hơn, chứ những lần trước hai dãy ghế khoảng 80-90 chỗ ngồi trong thư viện kín chỗ.

Thư viện thôn nhưng có đến 5.000 cuốn sách.
Thư viện thôn nhưng có đến 5.000 cuốn sách.

Em Tô Xuân Nhật - học sinh lớp 8 Trường THCS Thạch Bằng cho hay: “Tuần nào cũng thế, nếu không phải phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng là em ra thư viện đọc sách. Dịp này chuẩn bị thi giữa kỳ nên thư viện thôn mượn được rất nhiều sách tham khảo tại Thư viện tỉnh Hà Tĩnh để phục vụ học sinh. Thế nên em ra thư viện tranh thủ học và ôn tập chuẩn bị thi”. 

Còn ông Phan An Khang ở thôn Yên Bình - một trong những người lớn tuổi có mặt tại thư viện cho biết: “Tôi làm Chi hội trưởng nông dân thôn Yên Bình, trước mỗi lần sinh hoạt chi hội, tôi phải tranh thủ đến thư viện tham khảo sách, báo, đặc biệt là các loại sách như kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt để phổ biến đến các hội viên. Ngoài ra, tôi còn tìm đọc những sách liên quan đến chuyên đề để cho buổi sinh hoạt của hội trở nên sinh động hơn”.

Cũng theo ông thủ thư Phan Xuân Đại, ngoài đọc sách tại thư viện, hiện trong thôn có trên 50 người đăng ký làm thẻ có thể mượn sách về nhà tranh thủ thời gian rảnh rỗi đọc. Mỗi năm chỉ nộp 5.000 đồng/thẻ/người, số tiền ít ỏi này dùng để góp vào mua sách bổ sung cho thư viện. Bên cạnh đó, để người dân không cảm thấy nhàm chán, thư viện thôn còn liên hệ và được Thư viện tỉnh Hà Tĩnh cho mượn luân chuyển sách, báo hàng tháng phục vụ bà con cập nhật thông tin.

Mỗi người góp một cuốn sách

Ông Lê Ngọc Thành- Bí thư chi bộ thôn Yên Bình không giấu nổi niềm vui khi nói về sự lớn mạnh của thư viện. Là thôn nằm xa trung tâm xã nên người dân Yên Bình tiếp cận thông tin rất hạn chế. Để nhen nhóm ý tưởng xây dựng thư viện, thôn đã xây dựng Câu lạc bộ Văn hóa. Ngoài sự giúp đỡ của địa phương, thôn đã mạnh dạn kêu gọi người dân trong thôn đóng góp, đặc biệt là cán bộ về hưu và con em xa quê mỗi người đóng góp một cuốn sách.

Bà Nguyễn Thị Thúy- Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Yên Bình là thôn duy nhất hiện nay ở Hà Tĩnh có thư viện khang trang và hàng tuần có số lượng bạn đọc đáng nể (trên 200 người). Thực sự đây là đốm lửa cho văn hóa đọc ở nông thôn cần được nhen nhóm”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thư viện đã huy động được 300 cuốn sách. Tại các buổi sinh hoạt, câu lạc bộ có mục giới thiệu sách báo hàng tháng, vì vậy cuốn hút người đọc nhiều hơn. Thấy được giá trị ý nghĩa đó, con em Yên Bình sống xa quê đã gửi về cho thư viện trên 500 cuốn sách, còn hàng năm người dân trong thôn tự bỏ ra 3-5 triệu đồng để mua sách, báo.

Đến nay qua năm thứ 16 hoạt động, thư viện thôn Yên Bình đã có trên 1.000 đầu sách với trên 5.000 cuốn. Năm 2012, nhờ Cục Hải quan Hà Tĩnh đỡ đầu địa phương xây dựng nông thôn mới, dãy nhà thư viện thôn được xây dựng khang trang với diện tích 150m2, có tủ sách và bàn ghế cho gần 100 bạn đọc.

Ông Nguyễn Văn Quang- Trưởng ban Văn hóa xã Thạch Bằng cho biết: “Thực tế những năm qua cho thấy thư viện thôn Yên Bình luôn thu hút được bạn đọc. Ngoài việc giúp nâng cao hiểu biết và các kiến thức giúp người dân áp dụng vào sản xuất, thư viện còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa của bà con trong thôn. 

Theo thống kê, trước năm 1997 trong thôn chỉ có 1 em đậu đại học, nhưng đến nay có 4 thạc sĩ, 15 kỹ sư, hàng chục em đang học các trường đại học lớn. Khi chưa có thư viện, tỷ lệ hộ nghèo trên 45%, không có hộ giàu. Nay trong thôn có 10 mô hình phát triển kinh tế trang trại, hộ nghèo dưới 11%, bình quân thu nhập 20 triệu đồng/người/năm. Năm 1999, thôn Yên Bình được tỉnh Hà Tĩnh công nhận danh hiệu Làng Văn hóa và đến nay đã 2 lần được Bộ VHTTDL tặng bằng khen”. 
                                                                                              Hữu Anh
                                                                                      Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập403
  • Hôm nay63,115
  • Tháng hiện tại768,228
  • Tổng lượt truy cập90,831,621
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây