Người dân Hương Khê khôi phục vườn bưởi sau lũ.
Trưởng phòng NN&PTNT Lê Quang Vinh cho biết, lũ vùi dập đến 3 đợt nên sản xuất vụ đông rất khó khăn. Huyện tiếp tục chỉ đạo sản xuất ngô vụ đông theo kế hoạch, đúng khung lịch thời vụ, trong đó, tập trung chính là ngô sinh khối. Đối với rau các loại, ngoài việc gieo thuần, người dân tận dụng các quỹ đất để trồng xen, trồng gối vụ trên quỹ đất trồng ngô thâm canh, đất trồng khoai lang. Đến nay, toàn huyện đã gieo trỉa được 150 ha ngô, hơn 10 ha rau. Một số xã như Hương Vĩnh, Hương Bình, Phú Gia, Gia Phố... đã triển khai rất sớm ngay khi lũ rút, đạt kết quả khá.
Ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: Năm nay, kế hoạch gieo trồng 60 ha ngô nhưng do ảnh hưởng của lũ lụt nên rút xuống còn 40 ha. Sau lũ, chúng tôi đã gieo trồng được 25 ha, gồm 15 ha ngô lấy hạt và 10 ha ngô làm thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, người dân đang tiếp tục làm đất để gieo trỉa 15 ha còn lại, phấn đấu xong trước 30/11. Bên cạnh ngô, bà con đang làm đất để sản xuất trên 3 ha rau màu các loại.
Cùng với sản xuất hoa màu, Hương Khê đã chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Bùi Thức Ngọc cho biết: Sau lũ, phát hiện dịch tả lợn tại 24 hộ ở Hương Trạch, huyện đã họp với UBND xã, cơ quan thú y huyện, tập trung người, hóa chất khống chế, dập dịch kịp thời. Theo đó, đã cấp bổ sung hóa chất và tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại của các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh dịch, trục đường liên thôn, liên xã và khu vực tiêu hủy lợn chết; ký cam kết không giấu dịch, không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh, không thả rông gia súc, không vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch, không vứt xác gia súc ra môi trường, không bán chạy gia súc mắc bệnh.
Bên cạnh đó, tiến hành tiêm phòng bao vây cho đàn lợn trên toàn xã và các xã khu vực lân cận vùng dịch. Đến nay, đã tiêm phòng được 2.500 liều vắc-xin dịch tả, 2.500 liều vắc-xin tụ huyết trùng lợn. Nhờ vậy, dịch đã được khống chế, không lây lan sang các hộ khác. Huyện cũng đã làm việc với trại lợn nái tại Hương Xuân, Hà Linh và các cơ sở cung ứng lợn giống đảm bảo chất lượng để có phương án cung cấp nguồn giống cho nhân dân khôi phục, tái tạo đàn.
Đối với diện tích bưởi Phúc Trạch, cam các loại bị ảnh hưởng, người dân đang tìm mọi biện pháp chăm sóc để cây phát triển. Anh Hồ Xuân Chiến (xóm Thượng Đồng, xã Lộc Yên) cho biết, đối với diện tích đã hư hỏng hoàn toàn, anh đã làm lại đất, chuẩn bị các điều kiện, đăng ký giống để chuẩn bị trồng mới. Huyện cũng chuẩn bị cây giống để trồng bổ sung, thay thế những cây bị chết, hư hỏng, quy hoạch trồng lại trong vụ xuân. Người dân được hỗ trợ giống cây bưởi Phúc Trạch, cam chanh để trồng mới đối với những diện tích bị thiệt hại, hư hỏng do lũ lụt.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân Hương Khê đang khẩn trương ra đồng chạy đua với thời vụ vụ đông. Lũ đi qua, phù sa lắng lại, hứa hẹn một vụ đông tươi tốt đối với người dân Hương Khê.
Theo Chính Thu - Anh Thư/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã