Học tập đạo đức HCM

Lộc Hà vươn lên cùng biển

Thứ bảy - 13/05/2017 10:46
Về Lộc Hà (Hà Tĩnh) những ngày này có thể cảm nhận được sự hồi sinh mạnh mẽ của kinh tế biển. Những tín hiệu khởi sắc được tạo dựng từ quyết sách hợp lý, nỗ lực bền bỉ, vươn lên của chính quyền và người dân nơi đây.

Mở hướng vươn khơi

Từ lâu, ngư dân vùng biển Cửa Sót (Lộc Hà) đã nổi tiếng với truyền thống vươn khơi, bám biển. Theo thời gian, các cư dân nơi đây đã xây dựng những đội tàu đánh bắt, làng nghề truyền thống ở Cửa Sót, Thạch Kim. Tuy vậy, hoạt động khai thác hải sản ở đây vẫn chưa mang lại giá trị kinh tế cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhận thức được những yếu kém này, ngay từ những năm đầu thành lập, huyện Lộc Hà đã mạnh dạn trích nguồn ngân sách còn eo hẹp hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá vươn khơi, bám biển. Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Lê Quang Huệ nhớ lại: Tại thời điểm mới thành lập huyện, khi nguồn thu ngân sách còn thấp, địa phương đang rất cần nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, song với lợi ích lâu dài, chúng tôi đã mạnh dạn ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, trong đó tập trung phát triển đội tàu xa bờ, làm đầu kéo cho “mũi nhọn” kinh tế biển những năm tiếp theo. Đây được coi là "cú huých" quan trọng giúp người dân tự tin vươn khơi, bám biển.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Nam, thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, trước đây do phương tiện nhỏ, công suất thấp cho nên hoạt động đánh bắt chỉ được tiến hành ở vùng lộng, kéo theo đó, sản lượng, hiệu quả mỗi chuyến ra khơi chẳng đáng bao nhiêu. “Thế nhưng, từ khi được huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, cùng với 300 triệu đồng từ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh, gia đình tôi đã đóng mới tàu cá công suất 250 CV có tổng mức đầu tư gần một tỷ đồng. Nhờ được trang bị đầy đủ ngư cụ, máy dò cá, thiết bị định vị hàng hải cho nên chúng tôi có thể đánh bắt ở mọi ngư trường”- anh Nam chia sẻ. Theo tính toán của ngư dân Nguyễn Văn Nam, nếu trước đây mỗi chuyến ra khơi chỉ thu về vài chục triệu đồng thì nay con số đó đã tăng lên hàng trăm triệu đồng. Ngay cả thời điểm khó khăn của năm 2016, hoạt động đánh bắt của các tàu cá xa bờ vẫn diễn ra bình thường. Càng khó khăn, ưu thế của đội tàu đánh bắt xa bờ càng khẳng định vượt trội. Mang niềm tin “tàu to không lo sóng lớn”, hàng trăm lao động ở Lộc Hà đã vươn khơi để làm giàu chính đáng cho bản thân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân Ngô Văn Tiến (Thạch Kim) chia sẻ, giờ đây chúng tôi không còn lẻ loi nữa. Sự hỗ trợ, đồng hành kịp thời của chính quyền các cấp đã tạo ra vị thế mới cho ngư dân. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến nay, huyện Lộc Hà đã hỗ trợ 59 chủ tàu đóng mới, cải hoán tàu đánh cá có công suất hơn 90 CV với tổng mức hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ các ngư dân ở Lộc Hà đóng mới 71 tàu đánh cá có công suất hơn 90 CV, với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Cùng với đó, hai tàu vỏ sắt công suất 800 CV/tàu được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa gia nhập đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện, góp phần nâng mức thu nhập bình quân của mỗi tàu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân một lao động gần sáu triệu đồng/tháng.

Tận dụng lợi thế

Chúng tôi về thăm mô hình nuôi tôm công nghệ sinh học tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà). Đây là mô hình đầu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật kiểm soát dịch bệnh, môi trường. Theo ông Lê Văn Thiệu, chủ mô hình, sau khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của địa phương, đơn vị đã đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây dựng 16 ao nuôi tôm trên cát, đáy ao phủ bạt. Điều đặc biệt nhất ở mô hình chính là việc nước biển nuôi tôm được sử dụng tuần hoàn, khép kín. Thay vì mỗi vụ sản xuất lại phải lấy nước biển như cách nuôi thông thường, với hệ thống xử lý nước hiện đại, mỗi năm chỉ cần lấy nước biển một lần. Bên cạnh đó, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng các loại hóa chất độc hại mà chỉ dùng các loại chế phẩm sinh học để hạn chế cao nhất dịch bệnh, khắc phục hiện trạng ô nhiễm môi trường nước. “Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, ngay trong vụ thả sáu triệu con giống đầu tiên, tôm sinh trưởng tốt, đạt mức 60 đến 80 con/kg, sản lượng đạt khoảng 60 tấn, lợi nhuận vụ đầu tiên đạt khoảng 1,2 tỷ đồng”- ông Thiệu nhẩm tính. Theo đánh giá của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh, mặc dù chưa thật sự tạo được sự bứt phá mạnh về hiệu quả kinh tế, song điều đáng ghi nhận đối với hướng nuôi tôm mới này là việc kiểm soát được dịch bệnh và các vấn đề môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà Trần Văn Nghĩa cho biết, với 12 km đường bờ biển và hệ thống sông phân bổ khá đều, Lộc Hà đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 467 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm, thâm canh, theo công nghệ cao chiếm 107 ha, sản lượng hơn 1.600 tấn. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điển hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ; nuôi nghêu (ngao) Bến Tre của các ông Nguyễn Văn Thiết, Nguyễn Văn Việt, Lê Xuân Hùng xã Mai Phụ; nuôi trồng thủy sản tổng hợp của ông Lê Xuân Hoan, xã Thạch Châu… Cùng với sự phát triển của lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, tại khu vực cảng Cửa Sót (Thạch Kim, Thạch Bằng) đã hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá thu hút hàng nghìn lao động tham gia, bình quân mỗi năm luân chuyển hơn 7.000 tấn thủy, hải sản. Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Lê Trung Phước cho biết, sau khi hoàn thành cơ bản việc chi trả gần 150 tỷ đồng tiền bồi thường sự cố môi trường đợt một cho các hộ dân, địa phương đang tiếp tục chi trả bồi thường đợt hai cho các đối tượng còn lại. “Sau khi gỡ “nút thắt” trong việc áp giá bồi thường cho các cơ sở đông lạnh, địa phương đã chi trả 23 tỷ đồng cho 16 cơ sở. Có nguồn vốn quay vòng, các chủ cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn đã mở rộng quy mô, trữ lượng thu mua, qua đó góp phần kích cầu trở lại hoạt động đánh bắt trên địa bàn”, đồng chí Lê Trung Phước chia sẻ.

Tiếp sức phát triển kinh tế biển, các hoạt động du lịch, dịch vụ ở Lộc Hà cũng nở rộ. Được tận mắt chứng kiến các tuyến đường xuống bãi biển Xuân Hải (Thạch Bằng), tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Hà Tĩnh Ocean Villas và Công viên nước Vinpearlland Water Park Hà Tĩnh (Thịnh Lộc) đông đúc với lượng xe lưu thông lớn, các bãi biển đan kín người mới thật sự cảm nhận hết sự hồi sinh của biển nơi đây.

Theo Ngô Tuấn/nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập180
  • Hôm nay33,601
  • Tháng hiện tại691,670
  • Tổng lượt truy cập90,755,063
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây